Hưởng lợi nhiều cơ chế đặc thù, thu hút FDI của Khánh Hòa vẫn 'hụt hơi'
Lũy kế đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 113 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 3,91 tỷ USD.
Dù là địa phương có nhiều lợi thế và các chính sách, cơ chế đặc thù của Trung ương, tuy nhiên, thu hút FDI vào Khánh Hòa vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Theo đó, cả năm 2023 và đầu năm 2024, Khánh Hòa chỉ có được 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 12,19 triệu USD; 4 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư là 45,51 triệu USD; có 18 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với số tiền 24,62 triệu USD.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, công tác lập, quản lý và thực hiện các loại quy hoạch liên quan như quy hoạch sử dụng đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành... tại địa phương chưa đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo.
Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá sự phù hợp của dự án với các loại quy hoạch liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục thẩm định quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển.
Tuy nhiên, mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; đáng chú ý là các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa được quản lý và sử dụng thực sự hiệu quả.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn nằm trong nhóm địa phương có chỉ số thấp, chậm được cải thiện, việc thu hút các dự án FDI vào tỉnh trong những năm qua còn hạn chế.
>> Lộ diện 5 địa phương đang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 
Về tình hình thu hút FDI, lũy kế đến nay, địa phương đã thu hút được 113 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 3,91 tỷ USD.
Trong đó, các quốc gia chiếm tỷ trọng lớn là Nhật Bản, Singapores, Hàn Quốc... tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp (năng lượng, sản xuất, chế biến, công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu), du lịch, dịch vụ, thương mại...
Một số dự án FDI đi vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa như: Nhà máy tàu biển Hyundai - Việt Nam (tại Khu kinh tế Vân Phong) có vốn đầu tư đăng ký hơn 290,9 triệu USD - một trong những nhà máy đóng mới tàu biển lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đã tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Tiếp đến là nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong I của Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2,58 tỷ USD. Dự án chính thức đi vào vận hành từ tháng 3/2024 cung cấp 8,5 tỷ kWh điện hàng năm trên lưới điện quốc gia, chiếm 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các chuyên gia nhận định cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo đang mở ra giống như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao. Vì vậy, nếu chuẩn bị tốt, năm 2024 sẽ là năm bắt đầu cho làn sóng FDI mới vào Việt Nam nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng.
Để đón đầu làn sóng FDI này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuẩn bị bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để trải thảm đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện hiệu quả phương châm "5 sẵn sàng".
>> Khánh Hòa sắp đón vốn đầu tư 1 tỷ USD từ doanh nghiệp sản xuất cá chẽm lớn nhất thế giới 
Tỉnh sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất cả nước: Đứng thứ 3 vùng Đông Nam Bộ về thu hút FDI 
Tỉnh ven biển miền Bắc chuẩn bị 'hành trang' đưa thành phố trực thuộc lên đô thị loại I