Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan: Cặp cửa khẩu biên giới đặc biệt nhất
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trên thế giới chỉ có duy nhất khu vực biên giới có cửa khẩu mà Việt Nam đặt tên là Hữu Nghị và Trung Quốc cũng thống nhất đặt tên là "Hữu Nghị Quan". Tên gọi “Hữu Nghị” thể hiện tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
(TyGiaMoi.com) - Cửa khẩu có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc
Cửa khẩu  Quốc tế Hữu Nghị nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, cách TP. Lạng Sơn 17 km về phía Bắc, cách Hà Nội 171 km về phía Đông Bắc
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thời phong kiến từng được gọi bằng các tên Lăng Quan, Đại Nam Quan, Giới Thủ Quan, Nam Quan. Năm 1953, cửa khẩu được đổi tên thành Mục Nam Quan. Đến năm 1965 thì đổi thành Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị như ngày nay.
Cửa khẩu này có một vị trí đặc biệt và luôn chứa đựng giàu truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta với nhiều tấm gương tiêu biểu như đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã hết mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Tổ quốc.
Trong chương trình công tác tại tỉnh Lạng Sơn, vào ngày 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, trên thế giới chỉ có duy nhất khu vực biên giới ở đây có cửa khẩu mà Việt Nam đặt tên là Hữu Nghị và Trung Quốc cũng thống nhất đặt tên là "Hữu Nghị Quan".
Tên gọi "Hữu Nghị" thể hiện tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu việc xây dựng, phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Mối tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng là có một không hai trên thế giới, không gì có thể so sánh được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xưa cũng qua cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan để thăm Trung Quốc. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại rất nhiều khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử hai Đảng, hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nhân dân hai nước phải đời đời kế thừa, phát huy hơn nữa tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Hiện tại và tương lai của cửa khẩu Hữu Nghị
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ngày nay là một trong những cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc , có quy mô với diện tích 124 ha, trong đó Khu trung tâm quy hoạch với diện tích 26,5 ha.
Là một điểm quan trọng trong tuyếnHành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc về chủ trương xây dựng "hai hành lang, một vành đai kinh tế", Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam với các nước ASEAN và ngược lại.
Trung Quốc cũng đặc biệt coi trọng cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, coi đây là cặp cửa khẩu quốc tế số một, là cửa ngõ nối Trung Quốc với Việt Nam và ASEAN. Đây là thuận lợi, cơ hội cũng như tiềm năng phát triển rất lớn trong hoạt động kết nối văn hóa, du lịch và thương mại giữa hai tỉnh-khu, Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).
Đến nay, trải qua hơn 30 năm xây dựng và tiến hành các chương trình tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị không ngừng được đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao lưu văn hoá, du lịch cũng như thông thương hàng hoá của nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả Lạng Sơn nói riêng và nước ta nói chung.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Hữu Nghị được đầu tư đồng bộ, hiện đại gồm: Hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu; Trung tâm dịch vụ quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị; Tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị... đáp ứng tốt công tác quản lý của khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biếtphát triển kinh tế cửa khẩu là một trong 4 khâu đột phá của tỉnh Lạng Sơn, đưa Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển. Trong đó, Cửa khẩu Hữu Nghị có vị trí quan trọng đặc biệt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 6 cửa khẩu hoạt động, Hữu Nghị là cửa khẩu đảm nhiệm xuất nhập khẩu đến 80% số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin rằng, năm 2023, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu hàng hoá với tổng kim ngạch trên 50 tỷ USD. Năm 2023, có lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhất từ trước tới nay. Mỗi ngày có từ 1.100-1.300 chuyến xe container qua các cửa khẩu.
Thực hiện Biên bản Hội nghị lần thứ 6, 7 của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc tháng 12/2018 và Biên bản ghi nhớ Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tháng 3/2019, hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang triển khai thực hiện xây dựng mô hình "Cửa khẩu kiểu mẫu" tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Đồng thời, là tỉnh đầu tiên được Uỷ ban chuyển đối số quốc gia lựa chọn, giao nhiệm vụ, Lạng Sơn đã triển khai áp dụng thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ tháng 2/2022. Qua đó, góp phần công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu tiếp cận; tạo kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành các hoạt động tại cửa khẩu cửa khẩu.
Đến nay, đã có trên 1.800 doanh nghiệp sử dụng Nền tảng cửa khẩu số để khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao tính hiệu quả của Nền tảng cửa khẩu số.
Với những vị trí thuận lợi, tiềm năng phát triển, trung bình mỗi năm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách xuất nhập cảnh và trên 180 nghìn lượt phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới tại khu vực cửa khẩu rất ổn định; hai bên duy trì, thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới và các Thoả thuận song phương. Quan hệ hai bên biên giới cũng thường xuyên được củng cố và phát triển theo chiều sâu để cùng nỗ lực xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, hiện tại, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phấn đấu xây dựng cửa khẩu này trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu" và tiên tiến hiện đại, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.
Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét hồ sơ mở chính thức lối thông quan Cốc Nam (Khu vực mốc 1104-1105), Tân Thanh (Khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để trình Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, ngày 26/6/2023, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã ký "Thoả thuận khung giữa về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh" tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Theo đó thống nhất triển khai mô hình này tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan.
Đây sẽ là nội dung đột phá, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Lạng Sơn với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc trở thành điểm sáng, kiểu mẫu trong tổng thể chung quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn định hướng xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu tiên tiến, hiện đại, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; trở thành cửa khẩu kiểu mẫu, trung tâm dịch vụ cửa khẩu công nghệ cao với năng lực thông quan thông minh, bãi đỗ xe điện tử, lưu kho tự phục vụ và các dịch vụ số khác để tăng tính chủ động, giảm thời gian thông quan.
Trong xu thế phát triển hòa bình, ổn định, cửa khẩu quốc tế này đã, đang và sẽ là cửa khẩu Hữu Nghị của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc theo đúng phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".