Thí điểm đề án xây dựng cửa khẩu quốc tế thông minh tại một tỉnh phía Bắc
Đề án nhằm đưa tỉnh này trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ trọng điểm của vùng Đông Bắc.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá tại cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến đường được thí điểm xây dựng thuộc khu vực mốc 1119-1120 và 1088/2-1089.
Đưa Hữu Nghị quan trở thành cửa khẩu kiểu mẫu
Mục tiêu của Đề án là xây dựng cửa khẩu thông minh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc Bộ.
Đồng thời, đưa Hữu Nghị quan trở thành cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Đề án hoàn thành, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu", cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.
Nơi đây sẽ hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.
Đề án nêu rõ, triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh là áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Tất cả quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải, quá trình giao nhận... đều được nâng cấp.
Mục tiêu, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng, giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa... tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu....
Phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá các khu vực này gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay. Tuyến đường đoạn mốc 1119-1120 dự kiến tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày; và tuyến đường chuyên dụng khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800-1.200 xe/ngày.
Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua hai tuyến đường chuyên dụng này đạt khoảng 110 tỷ USD.
Ảnh cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị |
Thí điểm áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể
Mô hình cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Bên cạnh đó, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời.
Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: Hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong thời gian thí điểm tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.
Thời gian thực hiện Đề án: Từ quý III/2024 đến hết quý III/2029. Trong đó, giai đoạn 1 (xây dựng cơ sở hạ tầng) từ quý III/2024 đến hết quý II/2026; giai đoạn 2 (thực hiện thí điểm) từ quý III/2026 đến hết quý III/2029.
Kinh phí thực hiện Đề án từ các nguồn Ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công), kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, đề án đã được phê duyệt và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
>> Quảng Trị sắp có băng tải than đá gần 1.500 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam 
Công ty quản lý 3 khu chợ sầm uất bậc nhất Lạng Sơn 'chơi lớn', chia cổ tức gần bằng thị giá