Huy động hơn 40.000 tỷ đồng cùng công nghệ cao xây siêu đập thủy điện đẳng cấp thế giới, 10 năm đã hoàn thành nhờ Trung Quốc hỗ trợ
Công suất lắp đặt của đập Gibe III đạt 1.870 MW với 10 tổ máy phát điện và sản lượng điện hàng năm vào khoảng 6.500 GWh.
Đập thủy điện lớn bậc nhất châu Phi
Đập thủy điện  Gibe III là một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất của Ethiopia và được coi là biểu tượng cho nỗ lực của quốc gia này trong việc trở thành trung tâm năng lượng tái tạo ở châu Phi.
Được xây dựng trên sông Omo, Gibe III là đập lớn thứ ba trong chuỗi các dự án thủy điện dọc theo dòng sông này, sau Gibe I và Gibe II. Nó là đập bê tông đầm lăn cao 243m - là đập đầu tiên thuộc loại này ở Ethiopia và là một trong những đập cao nhất thế giới tại thời điểm xây dựng.
Công suất lắp đặt của đập đạt 1.870 MW với 10 tổ máy phát điện và sản lượng điện hàng năm vào khoảng 6.500 GWh. Hồ chứa của đập có tổng dung tích lưu trữ là 14,7 tỷ m3.
Dự án Gibe III được thiết kế với mục tiêu điều tiết nước lũ, tăng khả năng cung cấp điện nội địa. Ethiopia có tiềm năng thủy điện lớn nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng để khai thác và Gibe III đã góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Điện từ Gibe III cũng xuất khẩu sang các nước láng giềng như Kenya, Sudan, Djibouti và Somalia, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Giúp sức từ Trung Quốc
Các công trình của siêu đập bao gồm xây dựng đập chính, nhà máy điện, hai đường hầm dẫn nước, hệ thống bơm và cấu trúc hút nước, cofferdam (xây dựng để kiểm soát dòng nước và bảo vệ khu vực thi công đập chính trong quá trình xây dựng), bốn giếng thẳng đứng và hai máy phân phối.
Đập thủy điện Gibe III có tổng chi phí xây dựng 1,5 tỷ euro; ước tính hơn 40.000 tỷ đồng. Trong đó 40% vốn do Chính phủ Ethiopia cung cấp và số còn lại được huy động thông qua một khoản vay từ Chính phủ Trung Quốc .
Công ty Salini Impregilo của Ý đảm nhiệm phần xây dựng siêu dự án này, ngoài ra, một số công ty Trung Quốc cũng cung cấp thiết bị cơ khí, điện và công nghệ cao liên quan.
Gibe III chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016 sau 10 năm xây dựng, cung cấp hơn 50% tổng công suất điện quốc gia của Ethiopia. Siêu đập không chỉ là một dự án hạ tầng, mà còn là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo.
Nó cũng đánh dấu nỗ lực của Ethiopia trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và xây dựng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.