Huy động ‘quái vật’ khoan hầm 4.000 tấn lớn và nhanh nhất thế giới đào xuyên 9.000m đường hầm, rút ngắn thời gian di chuyển còn 15 phút
Lực đẩy tối đa của thiết bị này lên đến 22.600 tấn, và tốc độ khoan hầm có thể đạt 426m/tháng.
Theo Tạp chí Global Construction Review, các doanh nghiệp hạ tầng của Trung Quốc  đã sử dụng cỗ máy đào hầm được mệnh danh là lớn nhất và nhanh nhất thế giới để thi công tuyến đường xuyên qua dãy núi Caucasus hiểm trở ở Georgia.
Tuyến hầm này dự kiến sẽ hoạt động được cả vào mùa đông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai khu vực từ 1 giờ xuống còn chỉ 15 phút. Con đường mới không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân, mà còn kết nối các khu vực bị cô lập, thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao hệ thống giao thông vận tải tại Georgia.
Tuyến hầm có chiều dài 8.860m, nằm ở độ cao 2.400m so với mực nước biển. Công trình được thi công bởi Tập đoàn Đường hầm Đường sắt Trung Quốc (CRTG) với sự hỗ trợ của cỗ máy đào hầm mang tên Caucasus. Đáng chú ý, cỗ máy này được thiết kế theo tiêu chuẩn của Trung Quốc và hoàn toàn do nước này sản xuất độc lập.
Máy khoan hầm Caucasus có đường kính 15,08m, chiều dài tổng thể 182m và trọng lượng lên đến 3.900 tấn. Với lực đẩy tối đa đạt 22.600 tấn và tổng công suất 9.900 kilowatt, máy có khả năng khoan hầm với tốc độ ấn tượng lên đến 426m mỗi tháng. Đặc biệt, cỗ máy này được trang bị công nghệ cơ giới hóa tiên tiến và kết cấu thông minh. Đội ngũ R&D đã trực tiếp đến hiện trường để nghiên cứu và phát triển công nghệ điều khiển từ xa cho máy.
Caucasus còn tích hợp công nghệ TBM hiện đại, sử dụng phương pháp phun áp lực kết hợp với các ứng dụng thông minh kết nối mạng 5G. Công nghệ này giúp máy hoạt động hiệu quả ngay cả trong môi trường địa chất phức tạp nhất. TBM không chỉ đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường mà còn cho phép đào hầm nhanh chóng và hiệu quả, thích ứng tốt với nhiều loại địa hình khác nhau. Máy Caucasus nổi bật với mức độ tự động hóa cao, khả năng thích ứng địa chất mạnh mẽ và tốc độ xây dựng vượt trội.
Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng công nghệ TBM này để hỗ trợ việc xây dựng các đường hầm chính, giúp hiện thực hóa mục tiêu khoan những đường hầm siêu dài trong thời gian ngắn kỷ lục, đồng thời tiết kiệm đáng kể thời gian xây dựng. Bên cạnh đó, công nghệ 5G còn được ứng dụng trong các hệ thống định vị nhân sự, thiết bị lái xe không người lái và phân tích cảm biến, nhằm đảm bảo hoàn thành dự án với chất lượng cao nhất trong thời gian ngắn nhất.
Việc sử dụng mạng 5G để truyền tín hiệu, kết hợp với các màn hình lớn trong phòng điều khiển và trụ sở chính, cho phép nhận dữ liệu thời gian thực như thông tin định vị nhân sự, quỹ đạo và hình ảnh xây dựng. Từ đó, đội ngũ quản lý có thể giám sát và điều hành việc thi công đường hầm một cách chặt chẽ và hiệu quả.
>> Chuẩn bị khởi động robot đào hầm đường sắt đô thị