Tên huyện này có 13 chữ cái, được đặt theo một nhà yêu nước, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Huyện có tên dài nhất
Huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh , là huyện có tên dài nhất, theo danh sách đơn vị hành chính của Tổng cục thống kê, với 13 chữ cái.
Sự kiện thành lập huyện Dương Minh Châu được ghi lại trong sách Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia năm 2010. Với dân số trong vùng căn cứ đủ điều kiện thành lập huyện, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập huyện căn cứ lấy tên là huyện Dương Minh Châu. Sự kiện chỉ có như vậy, nhưng thực chất đây là cuộc cách mạng nhỏ trong lòng cuộc cách mạng lớn lao giải phóng dân tộc.
Cuộc cách mạng ấy điều chỉnh lại đội hình của toàn miền Nam kháng chiến, mà sau đó đã làm nên một thành đồng Tổ quốc. Trùng hợp, hội nghị chính thức hợp nhất tỉnh và lập huyện căn cứ địa ấy diễn ra tại Linh Nguyên, Bến Cát, Bình Dương vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ - 19/5/1951.
Từ đó, cũng có thể xem Huyện căn cứ địa Dương Minh Châu được khai sinh vào ngày 19/5 lịch sử. Ngày này, năm trước (1950) người Tây Ninh cũng đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, vừa để kỷ niệm sinh nhật Bác, vừa là một cuộc biểu dương khí thế cách mạng.
Thêm một sự trùng hợp lịch sử nữa, đó là về anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu mà huyện được mang tên. Ông sinh ngày 9/3/1921 tại làng Ninh Thạnh, tổng Hòa Ninh, huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Thuở nhỏ, ông là học sinh trường Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM). Năm 1938, ông tốt nghiệp cử nhân khoa luật Cao đẳng Luật Hà Nội, sau đó sang Campuchia làm Tham tán luật sư ở Toà án Nam Vang (Phnom Penh).
Năm 1946, ông tham gia kháng chiến Nam Bộ, làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá I, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Tây Ninh. Tháng 2/1947, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu và hy sinh tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Năm 1998, liệt sĩ Dương Minh Châu được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Miền quê nơi đâu cũng là di tích
Trên địa bàn huyện có 2 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất đó là chiến khu Dương Minh Châu và Hồ Dầu Tiếng.
1. Chiến khu Dương Minh Châu
Đây là căn cứ cách mạng có vị trí quân sự đặc biệt, gắn liền với hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và trở thành căn cứ nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ. Xứ ủy Nam bộ, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phân khu miền Đông, tỉnh ủy Gia Định Ninh, lấy nơi đây làm căn cứ kháng chiến trong những năm chống Pháp và Mỹ, căn cứ Dương Minh châu còn là nơi tập kết, huấn luyện và ra đời các đơn vị chủ lực của miền Đông.
Với vị trí, địa thế quan trọng nên căn cứ Dương Minh Châu là nơi mọi kẻ thù tập trung đánh phá ác liệt nhằm “Tiêu diệt và bình định” căn cứ cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng. Với tinh thần sáng tạo trong đường lối chiến tranh, quân dân căn cứ Dương Minh Châu đã đập tan mọi mưu đồ của địch, căn cứ vẫn được giữ vững, bảo vệ các lực lượng cách mạng, đứng chân an toàn đến ngày cách mạng thành công.
Khu rừng Dầu lịch sử tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu được chọn làm di tích Căn cứ Dương Minh Châu, đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số: 61/1999-QĐ-BVHTT, ngày 13/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
2. Hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Á được bàn tay con người tạo nên như một viên ngọc xanh có sơn thủy hữu tình với hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây ngày đêm cần mẫn mang dòng nước ngọt lành làm hồi sinh đất, làm mát lòng người Dương Minh Châu, là tiềm năng lớn mạnh kết hợp phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Hệ thống kênh nội đồng được quan tâm xây dựng, ngày càng được mở rộng, phủ hết diện tích thiết kế. Đất Dương Minh Châu ngày nào nắng cháy cằn khô, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ, nay đã có gần 30 ngàn ha đất canh tác, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ. Đó là cơ sở để huyện quy hoạch được các vùng chuyên canh đậu phộng, lúa ở các xã phía Nam như Truông Mít, Lộc Ninh, Chà Là, Cầu Khởi. Các xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng, Phước Ninh, Phước Minh là vùng trọng điểm cây khoai mì, cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài địa phương.
Người nông dân được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, được hướng dẫn về cung cách làm ăn, về cây, con giống mới, áp dụng công nghệ sinh học, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, chăn nuôi.
*Theo Báo Tây Ninh, Tỉnh Đoàn Tây Ninh