Xã hội

Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc

Vĩ Hạ 24/04/2025 - 00:11

Đây là quần đảo xa bờ nhất cả nước, nằm giữa Biển Đông, về phía Đông Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 450km.

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức dừng hoạt động. Chậm nhất đến ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp xã mới (bao gồm xã, phường và đặc khu) sẽ đi vào hoạt động.

Theo đó, các huyện đảo và thành phố đảo sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp xã, mang tên gọi đặc khu . Cả nước sẽ có 13 đặc khu, gồm: Vân Đồn , Cô Tô , Cát Hải , Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc và Thổ Châu.

Như vậy, Trường Sa (Khánh Hòa) sẽ là đặc khu xa bờ nhất của Việt Nam.

Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc - ảnh 1
Quần đảo Trường Sa dự kiến sẽ trở thành đặc khu. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm trong vùng biển rộng khoảng 160.000 - 180.000km². Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đây là quần đảo xa bờ nhất cả nước, nằm giữa Biển Đông, về phía Đông Nam của Việt Nam.

Trường Sa có vị trí phía Bắc giáp quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển của Malaysia, Brunei và Indonesia. Trường Sa cách Cam Ranh 243 hải lý (tương đương 450km) và cách Vũng Tàu 440 hải lý (khoảng 815km).

Từ nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa”, gồm người dân xã An Vĩnh (huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi), ra quần đảo Hoàng Sa mỗi năm từ 6 đến 8 tháng để thu lượm hàng hóa trôi dạt, đánh bắt hải sản quý hiếm, đo vẽ bản đồ, lập hải trình, trồng cây và dựng mốc chủ quyền.

Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc - ảnh 2
Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông, về phía Đông Nam của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tiếp tục thành lập “đội Bắc Hải” (gồm dân các thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) với nhiệm vụ mở rộng phạm vi hoạt động ra cả Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong hiểu biết địa lý đương thời, Hoàng Sa và Trường Sa được coi là một dải quần đảo liền mạch.

Điều này chứng tỏ rằng, từ nhiều thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa - khi các quần đảo này vẫn còn là lãnh thổ vô chủ, và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.

Sau nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính trong lịch sử, đến tháng 4/2007, huyện đảo Trường Sa chính thức trở thành huyện trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, với diện tích khoảng 500km², gồm thị trấn Trường Sa và hai xã Song Tử Tây, Sinh Tồn.

Những năm gần đây, huyện Trường Sa tập trung phát triển kinh tế biển với hệ thống âu tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời thúc đẩy các hoạt động khoa học, y tế, văn hóa phục vụ quân dân trên đảo và hỗ trợ ngư dân hoạt động trên ngư trường Trường Sa.

Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc - ảnh 3
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Ảnh: Vietnam+

Thị trấn Trường Sa là trung tâm hành chính của huyện, nằm trên đảo Trường Sa với hệ thống hạ tầng đầy đủ như điện, đường, trường học, trạm y tế... Thị trấn còn có chùa, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư viện… góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Đời sống trên đảo ngày càng được cải thiện, hệ thống điện mặt trời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, cáp truyền hình và sóng điện thoại được phủ rộng giúp người dân kết nối thuận tiện với đất liền.

Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc - ảnh 4
Trường Tiểu học Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa

Các học sinh tại Trường Sa được tổ chức học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ mầm non đến lớp 5. Trong thời gian tới, địa phương có thể xây dựng thêm trường Trung học cơ sở, tạo điều kiện để người dân yên tâm gắn bó lâu dài với các xã đảo.

Ngoài các đảo nổi, huyện Trường Sa còn quản lý hàng chục đảo chìm, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

>> Sáp nhập địa giới hành chính: Đây sẽ là đặc khu duy nhất của Việt Nam có ‘mỏ vàng’ di sản được UNESCO công nhận

Việt Nam sẽ có thêm đặc khu là huyện đảo nhỏ nhất cả nước: Chỉ rộng 2,3km2, là ‘phên dậu’ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Chưa đầy 3 tháng nữa, huyện đảo có mật độ dân số đông nhất Việt Nam sẽ dừng hoạt động, đặc khu mới được thành lập

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/huyen-dao-xa-nhat-viet-nam-se-tro-thanh-dac-khu-trai-rong-tren-vung-bien-khoang-180000km-manh-dat-tien-tieu-thieng-lieng-cua-to-quoc-141083.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ trở thành đặc khu: Trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km², mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH