Huyện này toạ lạc tại tỉnh có sân bay lớn nhất cả nước.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ sáp nhập thành phố Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026-2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.
Quy hoạch tỉnh xác định đầu tư, phát triển Quảng Nam theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển", phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây. Trong đó vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông - Tây. Tập trung đầu tư các trục quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.
Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của Đà Nẵng. Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh là cụm kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.
Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh; Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
>> Quảng Nam bị Bộ Tài chính gửi giấy 'đòi nợ' 555.000 USD vì một dự án 
Huyện Núi Thành nằm ở phía nam tỉnh Quảng Nam. Phía đông giáp biển Đông Phía tây giáp huyện Bắc Trà My và huyện Phú Ninh Phía nam giáp huyện Bình Sơn và huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi Phía bắc giáp thành phố Tam Kỳ. Huyện có diện tích 555,95km2, dân số năm 2020 là 160.414 người, mật độ dân số đạt 288 người/km2.
Huyện Núi Thành có Sân bay Chu Lai - sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam. Năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế giai đoạn 2021-2030. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Đây là huyện thuộc vùng kinh tế động lực, vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam, với trọng tâm là khu kinh tế mở Chu Lai làm thay đổi nhanh diện mạo kinh tế - xã hội của huyện.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2022, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm 96% trên tổng giá trị của nền kinh tế; toàn huyện có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp, hơn 1.000 doanh nghiệp với hơn 28.200 lao động trong đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn trong cả nước.
Trong đó phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải - một trong những công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất, lắp ráp và phân phối ôtô; mỗi năm nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp nhiều lần so với năm 1983.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Núi Thành cần khai thác hiệu quả lợi thế của một địa phương có sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, với bờ biển dài, nhiều địa danh nổi tiếng.
Huyện tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng gắn với tái định cư ổn định đời sống cho người dân; tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển, gắn với kiểm soát chặt chẽ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Khai thác không gian biển, đảo để phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao; thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính, logictis… gắn với hoạt động của khu kinh tế mở Chu Lai.
>> Tạm hoãn xuất cảnh với loạt doanh nhân ở Quảng Nam