Imexpharm (IMP): Bước chuyển mình ngoạn mục sau 4 năm đồng hành cùng ông lớn Hàn Quốc SK Group
Theo nguồn tin từ báo nước ngoài, SK Group đang cân nhắc bán 65% cổ phần tại Imexpharm (IMP) sau 4 năm đồng hành.
Cổ phiếu IMP âm thầm bứt phá trong năm 2024
Dược phẩm là ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp khó khăn. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, với hàng loạt thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) được thực hiện bởi các tập đoàn lớn trên toàn cầu. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đã chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh.
Câu chuyện của Imexpharm (IMP ) với SK Group là một ví dụ điển hình. SK Investment Vina III - đơn vị trực thuộc tập đoàn đa ngành SK Group của Hàn Quốc có mặt tại Imexpharm từ năm 2020 khi nhận chuyển nhượng 25% vốn. Từ cổ đông chiến lược, doanh nghiệp ngoại từng bước gom cổ phiếu lên mức chi phối Imexpharm với tỷ lệ nắm giữ 47,67% vốn điều lệ. Các cổ đông khác bao gồm Tổng Công ty Dược Việt Nam (22,03%), CTCP Đầu tư Bình Minh Kim (9,75%) và CTCP Đầu tư KBA (7,37%), trong đó Bình Minh Kim và KBA là những tổ chức liên quan đến SK Investment Vina III. Như vậy, tổng sở hữu nhóm SK tại Imexpharm là 64,79% và đã được ĐHĐCĐ phê chuẩn nâng tỷ lệ lên trên 65% không phải chào mua công khai.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ báo nước ngoài, ở thời điểm hiện tại, SK Group đang cân nhắc bán 65% cổ phần tại Imexpharm. Theo đó, Tập đoàn Hàn Quốc này đang làm việc với một đơn vị tư vấn tài chính về việc thoái vốn, các cuộc thảo luận đang diễn ra. Đại diện của SK Group từ chối bình luận về vấn đề này.
Diễn biến giá cổ phiếu IMP |
Quyết định thoái vốn của SK Group được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu của Imexpharm liên tục tăng mạnh trong năm nay. Đóng cửa phiên giao dịch 20/12, cổ phiếu IMP tăng 1,26% lên mức 48.300 đồng/cp, tính từ đầu năm, mã này đã tăng gần 80%.
Imexpharm và SK Group: Chặng đường hợp tác thành công
Imexpharm khởi đầu là một đơn vị cấp phát thuốc cấp II tại Đồng Tháp, được thành lập năm 1997 với vai trò chính là giao thuốc cho 2 bệnh viện tuyến tỉnh và các công ty dược cấp III theo chỉ tiêu pháp lệnh mà hoàn toàn không có công năng sản xuất. Nhận thấy vẫn chỉ duy trì cấp phát thuốc là không thể tạo ra giá trị, năm 1983, 5 năm sau ngày thành lập, công ty đổi tên thành Xí nghiệp liên dược Đồng Tháp, đưa các thành viên đi tiếp cận các nhà máy khác để học hỏi, mày mò. Năm 2006, công ty trở thành doanh nghiệp dược đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán với mức vốn điều lệ 84 tỷ đồng. Trở thành công ty đại chúng với sự minh bạch, rõ ràng hơn, cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thu hút đầu tư, huy động vốn, đón đối tác chiến lược.
Năm 2020, Imexpharm chính thức đón đối tác đồng hành nước ngoài về làm cổ đông chiến lược - Tập đoàn SK của Hàn Quốc. Imexpharm báo lãi sau thuế gần 210 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm trước đó. Ngoại trừ năm 2021 chững lại với số lãi giảm 10% thì những năm sau đó, Imexpharm đều chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Đỉnh điểm năm 2023, Imexpharm đạt kỷ lục cả về doanh thu (doanh thu đạt 1.994 tỷ đồng) và lợi nhuận (lãi sau thuế gần 300 tỷ đồng).
Nguồn: Tổng hợp |
Mới đây, IMP công bố doanh thu tháng 10/2024 đạt 176 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên 41 tỷ đồng nhờ kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý chung. Giá vốn hàng bán cũng giảm 6% nhờ tăng công suất tại các nhà máy IMP2 và IMP4. Kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) là động lực chính với mức tăng doanh thu 41%, trong khi kênh OTC (bán lẻ) giảm 15%. Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần đạt 1.729 tỷ đồng, tăng 10% và hoàn thành 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế giảm 8% còn 293 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày thu gần 1 tỷ đồng lợi nhuận).
Đồng hành cùng IMP, SK Group cũng nhận về không ít lợi nhuận, trong đó gần nhất, năm 2022, ông lớn Hàn Quốc thu về khoảng 46 tỷ đồng cổ tức và 32 tỷ đồng trong năm 2023. Bên cạnh đó, cổ phiếu IMP liên tục tăng mạnh khiến giá trị khoản đầu tư của SK Group tại Imexpharm được đảm bảo.
Gia tăng uy tín và mở rộng hợp tác quốc tế
Sự tham gia của SK Group không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn gia tăng uy tín cho Imexpharm trên thị trường quốc tế. Kể từ khi được chaebol (tên gọi của các đại tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc) lớn thứ ba Hàn Quốc để mắt tới, Imexpharm đã trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, tháng 2/2024, Imexpharm đã hợp tác với Genuone Sciences - một công ty dược phẩm lớn đến từ Hàn Quốc, để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch… Ngoài ra, Imexpharm còn là đối tác sản xuất nhượng quyền của hàng loạt tập đoàn dược đa quốc gia có tên tuổi như Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharma Science Canada, Sanofi - Aventis…
Một nhà máy của Imexpharm |
Hiện tại, Imexpharm đang sở hữu 4 cụm nhà máy tại Đồng Tháp, TP. HCM và Bình Dương, trong đó có 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP với tổng cộng 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Ngoài các sản phẩm mang thương hiệu của Imexpharm, công ty cũng trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis... Imexpharm còn đặt kế hoạch xây dựng tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp theo tiêu chuẩn EU-GMP, với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. Dự án dự kiến khởi công quý III/2025 và hoàn thành cuối năm 2028.
>> Báo ngoại: Ông lớn Hàn Quốc SK Group cân nhắc bán 65% cổ phần ở Imexpharm (IMP) 
Vinaconex sẽ thoái vốn tại công ty chuyên cung cấp bê tông cho dự án sân bay Long Thành 
'Game thoái vốn' Nhà nước đẩy cổ phiếu thép kịch trần 10 phiên, dư địa tăng tới đâu?