Đây là nhận định của CEO IMF Kristalina Georgieva tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Quốc tế Thụy Sĩ tổ chức mới đây.
Reuters đưa tin, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hôm thứ 13/5 đã cảnh báo rằng sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ AI  có thể gây tác động lớn tới thị trường lao động toàn cầu "như một cơn sóng thần".
Tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Quốc tế Thụy Sĩ liên kết với Đại học Zurich tổ chức ở Zurich (Thụy Sĩ) đầu tuần này, bà phát biểu: “AI có khả năng tác động đến 60% việc làm ở các nền kinh tế tiên tiến và 40% việc làm trên toàn thế giới trong 2 năm tới”.
Đồng thời, vị Giám đốc lưu ý: “Chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho người lao động và các doanh nghiệp sẵn sàng cho làn sóng AI”.
Theo bà, AI có thể giúp gia tăng năng suất đáng kể nếu được quản lý tốt, nhưng cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và gây ra làm phức tạp thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.
Vì vậy, Giám đốc IMF  cho rằng các cơ quan quản lý trên phạm vi toàn cầu nên tiến hành tính toán một cách cẩn thận về những giải pháp để tận dụng được tối đa lợi ích của AI.
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố mới được bà Georgieva đưa ra khi hàng loạt công ty công nghệ lớn đang chạy đua AI bằng các mô hình ngôn ngữ lớn cùng tốc độ nâng cấp diễn ra nhanh chóng.
Gần đây nhất, OpenAI đã ra mắt GPT-4o với khả năng giống con người và được cung cấp miễn phí. Trong khi đó, Google, Meta, Microsoft cũng đã có nhiều sản phẩm AI trong thời gian qua.
Một nghiên cứu từ Goldman Sachs vào năm 2023 cho thấy các siêu AI như ChatGPT sẽ giúp nâng GDP toàn cầu hàng năm lên 7% trong vòng 10 năm bằng cách tự động hóa khoảng 1/4 loại công việc hiện có. Tuy nhiên, nó cũng lấy đi 300 triệu việc làm chỉ tính riêng Mỹ và châu Âu trong 10 năm tới.
Đáng chú ý, công ty tư vấn công nghệ Assess Partnership cho biết những nghề nghiệp như lập trình viên, chuyên viên phân tích tài chính, người cung cấp dịch vụ khách hàng và thiết kế đồ họa sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất do sự trỗi dậy của AI.
Ngay cả khi sa thải hàng loạt xảy ra, sẽ có những công việc mới tốt hơn ra đời trong tương lai. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman nhận định rằng AI sẽ "phá hủy việc làm ở một số lĩnh vực", nhưng cuối cùng sẽ mang lại nhiều việc làm hơn.
Diễn đàn kinh tế thế giới ước tính AI có thể tạo ra 97 triệu việc làm mới dù loại bỏ 85 triệu việc làm.
Bên cạnh đó, trong một phân tích về “sức khỏe” kinh tế toàn cầu, Giám đốc IMF đánh giá nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn trong những năm gần đây, một phần là do đại dịch toàn cầu năm 2020, khủng hoảng khí hậu cũng như cuộc chiến giữa Nga - Ukraine.
Dù vậy, bà cho rằng kinh tế vẫn có khả năng phục hồi đáng kể, đặc biệt khi lạm phát suy giảm ở nhiều nước.
>> 10 quốc gia nợ IMF nhiều nhất, nước đứng đầu đã vỡ nợ 20 lần
AI và làm việc từ xa giải cứu 'giấc mơ Mỹ', các startup sống lại giữa nguy cơ đình lạm 
AI và công nghệ số thổi “làn gió mới” cho du lịch văn hóa Trung Quốc