Indonesia thúc đẩy cải cách lớn để tiến tới mục tiêu 'quốc gia thu nhập cao'
Sự trỗi dậy của Indonesia là câu chuyện thành công mới nhất của châu Á.
Indonesia đang nổi lên như một nền kinh tế mới đầy tiềm năng tại châu Á. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia - Sri Mulyani Indrawati - cảnh báo rằng mức tăng trưởng GDP hàng năm đạt 5%, dù cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2%, vẫn "không đủ để [Indonesia] đạt được tiến bộ đáng kể" trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Tham vọng này là một phần trong "Tầm nhìn vàng 2045" – kế hoạch đưa Indonesia trở thành quốc gia có lực lượng lao động lành nghề, mức lương cao, đồng thời giảm tỷ lệ đói nghèo khi đất nước kỷ niệm 100 năm thành lập.
"Để tiếp tục hành trình từ quốc gia có thu nhập trung bình đến thu nhập cao, với tăng trưởng dựa trên năng suất, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực ," bà Sri Mulyani chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC tuần trước.
Báo cáo quốc gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 8 nhấn mạnh, Indonesia  cần dịch chuyển chuỗi giá trị từ sản xuất hàng hóa thô sang tạo ra giá trị gia tăng, phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao cho kỷ nguyên số, đồng thời đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, xanh và công bằng.
Dù có sự thay đổi về chính trị hồi đầu năm nay, tham vọng kinh tế của Indonesia vẫn được duy trì. Tháng 2 vừa qua, hơn 200 triệu cử tri tại quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đã đi bỏ phiếu, kết thúc 10 năm cầm quyền của Tổng thống Joko Widodo. Tướng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto được bầu làm Tổng thống mới và sẽ nhậm chức vào tháng 10 tới. Ông hứa sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu đưa Indonesia trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
Những cải cách kinh tế do Tổng thống sắp mãn nhiệm Widodo khởi xướng, đặc biệt là việc đơn giản hóa quy định tuyển dụng và sa thải lao động, cùng cải cách về quyền sử dụng đất, được xem là bước đệm quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu này. “Indonesia vẫn còn nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng yếu kém và tham nhũng, nhưng họ đang đi đúng hướng,” Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, nhận định.
Bà Sri Mulyani kỳ vọng Indonesia có thể tránh được “bẫy thu nhập trung bình” – tình trạng mà các nền kinh tế đang phát triển rơi vào trạng thái trì trệ ở mức thu nhập trung bình mà không thể vươn lên hàng ngũ các quốc gia thu nhập cao. Theo bà, các cải cách chính sách lớn sẽ giúp Indonesia vượt qua thách thức này, với nguồn ngân sách lớn dành cho giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội.
IMF cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng Indonesia cần các cải cách “toàn diện và bền vững” để đạt được vị thế thu nhập cao, đồng thời duy trì sự ổn định kinh tế đã đạt được.
Báo cáo của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn tại Úc, công bố vào tháng 7 cũng ghi nhận thành quả của Indonesia trong việc số hóa các chương trình phúc lợi xã hội và các sáng kiến về thực phẩm, năng lượng trợ cấp và thúc đẩy du lịch . Những chương trình này đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói, với chưa đến 10% trong số 279 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ quốc tế vào năm 2023.
Dù những cải cách về thuế và lao động giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng và sa thải, Indonesia vẫn không được kỳ vọng sẽ trở thành "Trung Quốc tiếp theo". Theo Gareth Leather, nếu quốc gia này duy trì mức tăng trưởng 5-6% trong thập kỷ tới, đó đã là một thành tích ấn tượng.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nhấn mạnh, "còn rất nhiều việc phải làm," nhưng bà cũng ghi nhận những thành tựu đã đạt được "bất chấp Covid-19 và sự chia rẽ địa chính trị".
Một trong những mục tiêu lớn của Indonesia là duy trì chính sách "không ràng buộc về chính trị quốc tế", bất chấp áp lực từ cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Bà Indrawati tin rằng Indonesia vẫn có thể nuôi dưỡng sự tăng trưởng trong nước và tận dụng cơ hội trong lĩnh vực sản xuất chip và pin xe điện để vươn lên trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Theo CNBC
Indonesia đặt mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình 
Indonesia đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng tầng lớp trung lưu