'Quả bom hẹn giờ' đe dọa kinh tế châu Á
Đằng sau các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á ẩn chứa một mặt tối: tỷ lệ thất nghiệp chưa từng thấy từ lực lượng lao động trẻ tuổi nhất.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (ILO), nhiều quốc gia phát triển nóng tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh hay Indonesia … đều có tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 ở mức 2 con số.
Theo đó, tỷ lệ trên trong năm 2023 ở Trung Quốc là 15,7%, ở Indonesia là 14%, ở Malaysia là 12,5%, và ở Ấn Độ là 13,9%. Bangladesh – từng là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vào năm ngoái lên tới 16% - mức cao nhất trong khoảng 3 thập kỷ qua.
Rất nhiều người ở các nước trên gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm ổn định suốt những năm 20 tuổi. Năm ngoái, 71% người lao động ở độ tuổi 25-29 tại khu vực Nam Á có công việc không ổn định - như kinh doanh tự do hoặc làm việc bán thời gian. Con số này chỉ giảm nhẹ so mức 77% được ghi nhận cách đây 2 thập kỷ.
Tổng cộng, ILO ước tính hơn 30 triệu người trong độ tuổi từ 15-24 ở những quốc gia trên đang vật lộn để tìm kiếm việc làm, chiếm gần nửa trong gần 65 triệu thanh niên thất nghiệp ở cùng độ tuổi trên toàn cầu. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc từng hoãn công bố số liệu thống kê tình trạng thất nghiệp của thanh niên trong một thời gian, sau khi nhận thấy hơn 1/5 tổng số người trẻ trong nước không tìm được việc làm—một con số kỷ lục.
Theo báo Wall Street Journal, với những nước không có nền tảng sản xuất đủ mạnh như Trung Quốc , thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về cách vươn tầm trên nấc thang phát triển, và cái giá phải trả nếu không đạt được mục tiêu này.
Chẳng hạn, Bangladesh từng thoát khỏi đói nghèo bằng cách trở thành công xưởng may mặc của thế giới. Hàng triệu người dân nước này đã rời bỏ nông trại để đến các xưởng may quần bò, áo sơ mi và áo len cho các thương hiệu lớn của phương Tây.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi tự động hóa xuất hiện. Ngành may mặc - động lực tăng trưởng chính của Bangladesh, dần chuyển sang dùng máy móc sản xuất thay vì lao động chân tay. Kết quả, xuất khẩu hàng may mặc ở Bangladesh dù tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, song tăng trưởng việc làm của ngành này diễn ra với tốc độ rất chậm.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng còn đến từ sự mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề. Ngày càng nhiều sinh viên ở các nước đang phát triển của Châu Á chỉ thích công việc văn phòng trong các lĩnh vực như thiết kế, tiếp thị, công nghệ và tài chính sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đây là những ngành nghề không được tuyển dụng nhiều tại các quốc gia của họ. Chẳng hạn, Ấn Độ nổi tiếng với ngành công nghệ thông tin phát triển, song cơ hội chen chân vào lực lượng lao động trong lĩnh vực IT của nước này vô cùng hạn hẹn do nhiều vị trí được trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm.
Theo ghi nhận của Đại học Azim Premji (Ấn Độ) dựa trên các dữ liệu chính thức, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học dưới 25 tuổi ở Ấn Độ đang rơi vào cảnh thất nghiệp, so với 11% ở những người cùng nhóm tuổi biết chữ nhưng chưa hoàn thành chương trình tiểu học. “Nhiều người không muốn bị mắc kẹt trong các công việc giống với cha mẹ mình nếu có nền tảng giáo dục tốt hơn họ. Đó là vấn đề mà tôi cho rằng các lãnh đạo chính trị chưa thấu hiểu”, Kunal Sen, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Đại học Liên Hợp Quốc tại Phần Lan, cho biết.
Tỷ lệ thất nghiệp ở các đối tượng thanh niên của Ấn Độ dù có giảm trong những năm gần đây, song vẫn cao hơn mức trung bình trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích, yếu kém trong việc tạo thêm cơ hội việc làm là một trong những yếu tố chính khiến Thủ tướng Narendra Modi và chính đảng của ông không thể giành đa số ghế tại Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6.
Một khảo sát được thực hiện năm 2022 của chính phủ Bangladesh cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở những người có bằng đại học cao gấp 3 lần mặt bằng chung, trong đó không ít người sống nhờ tiền trợ cấp của cha mẹ đến tận cuối độ tuổi 20. Bên cạnh đó, nhiều người dân quốc gia này đặt hết niềm tin vào các vị trí danh giá trong các cơ quan chính phủ thay vì lĩnh vực tư nhân kém phát triển, không cung cấp nhiều việc làm ổn định cho nhân viên văn phòng.
Bất bình đẳng ngày càng lớn về mức đãi ngộ việc làm giữa công và tư được xem là một trong những nguồn cơn của các vụ biểu tình vừa qua tại Bangladesh, buộc Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Sinh viên 26 tuổi Asif Mahmud, một lãnh đạo phe biểu tình và hiện là người đứng đầu cơ quan giám sát các bộ thanh niên và lao động của chính quyền mới, cũng thẳng thắn cho biết: "Một trong những động lực chính của các cuộc biểu tình là tình trạng khủng hoảng việc làm ngày càng gia tăng".
Với vị trí hiện tại, Asif dự định giải quyết vấn đề trên bằng cách cho phép những cơ sở giáo dục hợp tác với các ngành công nghiệp để đào tạo một lực lượng sinh viên sẵn sàng lao động khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, anh thừa nhận "xét theo dân số Bangladesh, tổng số cơ hội việc làm cho toàn bộ người dân nước này là chưa đủ".