Iran có thể làm trung gian đàm phán để chuyển tên lửa Nga cho lực lượng Houthi
Đây là diễn biến mới cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Tehran và Moscow.
Theo các nguồn tin, Nga vẫn đang cân nhắc việc chuyển giao tên lửa Yakhont (hay còn gọi là P-800 Oniks. Tuy nhiên, việc Iran tham gia vào quá trình đàm phán cho thấy mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước, đồng thời làm gia tăng lo ngại về việc vũ khí hiện đại có thể rơi vào tay các nhóm phiến quân, gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.
Từ tháng 11, Houthi liên tục thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu thuyền trên tuyến đường biển Đỏ, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine. Những hành động này không chỉ làm chìm và bắt giữ nhiều tàu, gây gián đoạn nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, mà còn khiến phí bảo hiểm hàng hải tăng vọt.
Mặc dù Mỹ và Anh đã đáp trả bằng các cuộc tấn công, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo các nguồn tin, Houthi đang đàm phán với Nga để nhận được nguồn cung cấp tên lửa, tương tự như việc Nga đã từng cung cấp tên lửa Yakhont cho Hezbollah. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về việc các cuộc tấn công sẽ tiếp tục diễn ra và gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Theo một nguồn tin tình báo phương Tây, Nga đang đàm phán bí mật với phiến quân Houthi tại Yemen để chuyển giao tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont. Nguồn tin này cho biết, Iran đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán này, bắt đầu từ thời Tổng thống Ebrahim Raisi còn tại vị.
Khi được hỏi về thông tin này, cả phái đoàn Liên Hợp Quốc của Iran và Bộ Quốc phòng Nga đều từ chối bình luận. Phát ngôn viên chính thức của Houthi, Mohamed Abdel-Salam, cũng phủ nhận việc biết về cuộc đàm phán này.
Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng Nga cung cấp tên lửa cho phiến quân Houthi ở Yemen, đây là "diễn biến rất đáng lo ngại." Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường khả năng của Houthi đều "làm suy yếu lợi ích chung quốc tế về tự do hàng hải và ổn định ở Biển Đỏ cũng như khu vực Trung Đông".
Mối quan hệ Nga-Iran càng thắt chặt
Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine, quan hệ quân sự giữa Nga và Iran ngày càng sâu sắc. Mỹ cáo buộc Tehran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho Moscow để sử dụng trong cuộc xung đột này. Đáng chú ý, một động cơ tiềm ẩn đằng sau quyết định cung cấp vũ khí cho Houthi của Nga chính là lo ngại về khả năng phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine, cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán giữa Nga và Houthi có vẻ như xoay quanh tình hình Ukraine và phản ứng của phương Tây trước những yêu cầu của Kyiv về việc sử dụng vũ khí tầm xa. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng đưa ra cảnh báo về việc Moscow có thể cung cấp vũ khí hiện đại cho các đối tác trên toàn cầu, một động thái được xem là nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt và áp lực từ phương Tây.
Tên lửa Yakhont được coi là một trong những loại tên lửa chống hạm tiên tiến nhất thế giới, với khả năng bay sát mặt biển để tránh radar và di chuyển với tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn.
Tác động lớn đến an ninh khu vực
Việc Nga được cho là chuyển giao tên lửa Yakhont cho Houthi đã làm dấy lên mối lo ngại lớn về an ninh khu vực. Theo chuyên gia Fabian Hinz, Giám đốc Chương trình Các vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tên lửa P-800 Yakhont là một hệ thống vượt trội so với các loại vũ khí mà Houthi từng sở hữu, có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường, đe dọa trực tiếp đến các tàu chiến của Mỹ, Anh và các nước khác đang hoạt động bảo vệ tuyến đường hàng hải quan trọng tại Biển Đỏ.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, Mỹ và Ả Rập Saudi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về vấn đề này. Việc Houthi sở hữu tên lửa Yakhont không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc lớn mà còn có thể làm mất ổn định toàn bộ khu vực Trung Đông.
Hinz cho biết Nga sẽ cần hỗ trợ kỹ thuật cho việc chuyển giao tên lửa, bao gồm cách vận chuyển và làm cho chúng hoạt động mà không bị Mỹ phát hiện và phá hủy. Houthi cũng cần được đào tạo để sử dụng hệ thống này.
Quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo rằng việc chuyển giao nếu diễn ra sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. "Ả Rập Saudi, chúng tôi và các đối tác khu vực khác đều rất lo ngại", vị quan chức nói. "Houthi đã gây ra đủ thiệt hại ở Biển Đỏ, và điều này sẽ giúp họ làm nhiều hơn nữa".
Theo Reuters
>> Houthi công bố video phóng tên lửa siêu vượt âm vào lãnh thổ Israel
Nga thả bom nhiệt áp vào vị trí tập kết quân Ukraine 
Houthi công bố video phóng tên lửa siêu vượt âm vào lãnh thổ Israel