Lãi suất huy động 12 tháng dự báo duy trì quanh ngưỡng 7%, sẽ có thêm đợt hạ lãi suất nữa trong quý 2/2023.
Lãi suất quý 1/2023 - Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động có xu hướng giảm
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó Ngân hàng Nhà nước 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành.
Cụ thể, ngày 15/03/2023 và 31/03/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chính thức giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, cụ thể: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và trần lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có xu hướng giảm mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào.
Quý 1/2023 thanh khoản hệ thống dồi dào diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất liên ngân hàng qua đêm và duy trì ở mức nền thấp vào cuối quý, cụ thể lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng thay đổi lần lượt là -355 bps, -366 bps và -347 bps so với cuối quý 4/2022.
Ngoài ta, trong quý 1, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm ở cả kì hạn ngắn và dài do thanh khoản các ngân hàng dồi dào nhờ việc: NHNN mua 4 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối, tương ứng NHNN bơm hơn 93 nghìn tỷ VND vào lưu thông.
Tăng trưởng tín dụng thấp quý 1 ở mức thấp, chỉ đạt 2% YTD do nhu cầu vay vốn chững lại do trùng vào dịp Tết Nguyên đán, và việc đơn hàng ít hơn khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc đi vay mở rộng quy mô sản xuất, bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện để vay vốn.
Bên cạnh đó, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi NHNN hạ các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Các ngân hàng nhỏ có mức giảm lãi suất huy động cao (dao động từ 0.5%- 1.0%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động hẹp hơn (quanh 0.2%)
Dự báo lãi suất 2022
KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. NHNN có thể hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50 bps (điểm cơ bản) trong quý II/2023.
Khối phân tích cho rằng NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt.
"Ngoài ra, việc Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%", KBSV dự báo.
Bên cạnh đó, NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50bps trong quý 2/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, các chuyên gia tại đây nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7-8% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%.
Trong năm 2023, có hai yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống.
Thứ nhất, NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng.
Thứ hai, kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm.
KBSV hạ dự báo tăng trưởng tín dụng xuống 12-13 % do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém hơn khi thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn, huy động tăng cao đạt 12% và cung tiền tăng trở lại 13% – một phần do nền thấp của năm 2022.
Từng lạc quan VN-Index cán mốc 1.240 vào cuối 2023, KBSV hạ dự báo xuống còn 1.160 
Vượt cản 1.240, VN-Index hướng lên vùng đỉnh 1 năm quanh 1.280 - 1.300 điểm?