Hôm nay, Asian Cup 2023 khai mạc hứa hẹn ngày hội hấp dẫn của bóng đá châu lục, với nhiều ngôi sao đạt đẳng cấp thế giới.
Rộn ràng đại tiệc lớn nhất châu lục
Lusail Stadium, sân khấu chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của Lionel Messi và đội tuyển Argentina với chức vô địch World Cup 2022, là nơi mở màn cho VCK Asian Cup 2023 .
Sau những lần buộc phải hoãn vì các yếu tố khách quan lẫn chủ quan, chủ yếu là tác động Covid-19, 24 đội tuyển hàng đầu châu Á cũng đã có mặt tại Qatar.
Qatar 2023 cũng là kỳ thứ 2 liên tiếp có 24 đội tuyển tham dự. Một bước tiến về chuyên môn cũng như thương mại của Asian Cup, giải đấu cấp châu lục lâu đời thứ hai thế giới, sau Copa America.
Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp đội tuyển Việt Nam góp mặt trong ngày hội bóng đá châu lục, sau thành tích vào đến tứ kết UAE 2019.
Các SVĐ và cơ sở hạ tầng Asian Cup 2023 được kế thừa từ kỳ World Cup thành công rực rỡ mà Qatar đăng cai. Sự kiện giải VĐTG lần đầu tiên diễn ra tại Bán đảo Ả Rập cũng phá kỷ lục với 172 bàn thắng.
Từ chất lượng hạ tầng, được xem là sự chuẩn bị đẳng cấp thế giới, Ban tổ chức AFC Asian Cup (OCAC) tự tin về kỳ Asian Cup hấp dẫn nhất lịch sử.
"Từ quan điểm hoạt động, rõ ràng châu Á đã sẵn sàng chào mừng phiên bản AFC Asian Cup hoành tráng nhất từ trước đến nay trong lịch sử của chúng ta", Mariano V. Araneta Jr., chủ tịch OCAC, đầy lạc quan trước lễ khai mạc.
Chất lượng các đội tuyển dự Asian Cup 2023 cũng được nâng tầm với lực lượng thi đấu ở nước ngoài, chủ yếu là châu Âu.
Có đến 19 cầu thủ hiện thi đấu ở Anh, 12 người trở về từ hệ thống giải chuyên nghiệp Đức. Giải VĐQG Bỉ và Scotland có 10 cầu thủ; Hà Lan và Thụy Điển có 8 người...
Chỉ có 5 đội tuyển hoàn toàn gồm các cầu thủ thi đấu giải quốc nội: Việt Nam, Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia và UAE.
Trên băng ghế kỹ thuật, 18 đội tuyển sử dụng HLV nước ngoài. Nhật Bản, Australia và Iran là 3 đội được dẫn bởi HLV trong nước.
Ai sẽ lên ngôi?
Chất lượng chuyên môn được nâng lên, nhưng Asian Cup 2023 nhiều khả năng tiếp tục là cuộc chiến giữa hai nền bóng đá Tây Á và Đông Á.
Nhật Bản , đại diện của Đông Á, dược xem là ứng viên số 1 cho danh hiệu vô địch.
Không ai khác, chính Nhật Bản với HLV Philippe Troussier dẫn dắt giành chức vô địch năm 2000 đã mở ra cuộc cách mạng cho các VCK Asian Cup sau này.
Nhật Bản mang đến Qatar đội hình với 21 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, trong đó có 20 người trở về từ châu Âu.
Hàn Quốc cũng khao khát chấm dứt cơn khát danh hiệu, với đội ngũ giàu chất lượng do thủ lĩnh Son Heung Min lãnh đạo.
Kể từ khi vô địch trong 2 kỳ đầu tiên, Hàn Quốc liên tục vô duyên với ngôi quán quân Asian Cup cho đến nay.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể đá chung kết trong mơ (hai đội khác nhánh nếu cùng đứng đầu bảng).
Hàn Quốc hiện giữ kỷ lục á quân với 4 trận chung kết thất bại. Gần nhất là 2015 mà Australia đăng cai và vô địch.
Đối thủ lớn nhất của hai thế lực Đông Á là Saudi Arabia, đội từng bất ngờ quật ngã Argentina ở World Cup 2022.
Saudi Arabia được dẫn dắt bởi Roberto Mancini, nhà vô địch kỳ EURO gần nhất. Các cầu thủ của họ cũng cải thiện kinh nghiệm và tư duy chơi bóng khi thi đấu cùng Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, Sadio Mane... ở Saudi Pro League.
Iran là đối thủ đáng gờm khác với thủ lĩnh Mehdi Taremi thường xuyên ghi bàn ở Champions League cho Porto, bên cạnh Sardar Azmoun học hỏi được rất nhiều từ Jose Mourinho và As Roma.
Chủ nhà Qatar hay UAE cũng là những ứng viên sáng giá khác, bên cạnh Australia. Bóng đá châu Á đang sẵn sàng mở hội.
Treo thưởng 2 tỷ đồng cho đội tuyển bóng đá Việt Nam, bầu Hiển sở hữu khối tài sản ra sao? 
Giá tăng vọt, VFF cảnh báo CĐV về vé chung kết ASEAN Cup 2024