Khám phá hang động 400m sâu nhất Việt Nam theo chiều thẳng đứng, gồm 11 hố sâu nối tiếp nhau, hố sâu nhất cao tới 220m
Hang động này có độ sâu theo chiều thẳng đứng chứ không theo chiều ngang, chiều dài.
Hang Cống Nước nằm ở bản Chu Sải Phìn, xã Lan Nhị Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Khác với các hang động  lớn khác ở Việt Nam, hang Cống Nước có độ sâu theo chiều thẳng đứng chứ không phải sâu theo chiều ngang, chiều dài.
Hang Cống Nước trước đây chỉ mới đo được tới độ sâu hơn 400m. Năm 2002, hang Cống Nước do 3 nhà thám hiểm người Bỉ chinh phục vào và xác định độ sâu là 600m. Thời điểm đó, các thiết bị ghi hình, chụp ảnh trong hang còn hạn chế nên chưa có hình ảnh nào của hang được công bố. Hiện nay, hang Cống Nước trở thành hang sâu nhất Việt Nam  và còn có khả năng mở rộng hơn nữa.
Nhắc đến hang Cống Nước, đây thực sự là một kỳ quan của nước ta theo đúng nghĩa đen. Khác với Fansipan , ngọn núi cao nhất Việt Nam là nơi mà mọi người có thể tiếp cận bằng nhiều cách (chẳng hạn như leo núi, đi cáp treo hay trực thăng,...) thì hang Cống Nước lại rất khó tiếp cận. Hang chỉ có thể tiếp cận vào mùa khô khoảng tháng 12, mùa mưa không thể tiếp cận được vì đây là cái "rốn nước".
Trên thực tế, để thám hiểm hang Cống Nước thì các đoàn thám hiểm cần phải dùng rất nhiều dụng cụ leo núi chuyên dụng, đồng thời đòi hỏi sức khỏe, những kỹ năng khó cũng như kinh nghiệm vì hang gồm 11 hố sâu  nối tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, mà hố sâu nhất cao tới 220m.
Theo chia sẻ của anh Tạ Nam Long (biệt danh là Long Icon), trưởng nhóm thám hiểm hang động Việt Nam trên Facebook, khi dự định chinh phục hang Cống Nước, nhóm thám hiểm phải dành thời gian chuẩn bị kỹ càng cả về thể chất lẫn những kỹ năng, dụng cụ, trang thiết bị cần thiết trước khi bắt đầu cuộc hành trình.
Trước mỗi chuyến thám hiểm, phải xem xét điều kiện thời tiết địa phương để xem liệu có mưa hay bão không, bởi vì vào hang lúc mưa bão rất nguy hiểm.
Nhóm thám hiểm của anh Long đã mất chừng 6 tháng để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm hang Cống Nước. Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy vì hang động này đòi hỏi một số lượng rất lớn đồ đạc (1.000m dây leo núi, đồ bảo hiểm, đồ ăn dài ngày trong hang). Bên cạnh đó, cũng phải tập luyện chú trọng rèn luyện các kỹ năng và kỹ thuật sử dụng dây.
Trong hang sâu có rất nhiều tình huống nguy hiểm mà rất khó có sự trợ giúp từ bên ngoài nên đoàn thám hiểm đã phải dự phòng và trang bị một số kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như sơ cứu y tế, xử lý tình huống khi bị lạc, hỏng thiết bị...
Việt Nam là một quốc gia sỡ hữu nhiều hang động đẹp. Trong suốt 20 năm qua, đã có rất nhiều đoàn thám hiểm nước ngoài như Anh, Đức, Bỉ, Pháp, Nhật, Ý thường xuyên tới Việt Nam để thám hiểm những hang động ở nước ta.