Khám phá nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi được mệnh danh “chốn địa ngục trần gian” một thời
Một điểm đặc biệt của nhà đày Buôn Ma Thuột với các nhà tù, nhà đày khác ở Việt Nam là tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính mình.
Nếu là một người thích khám phá những công trình gắn liền với lịch sử dân tộc, thì đây là một điểm đến không nên bỏ lỡ. Nhà đày Buôn Ma Thuột  được thực dân Pháp thiết lập từ năm 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên Cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh miền trung, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Trải qua khoảng thời gian lịch sử đầy thăng trầm của đất nước, năm 1980, nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo đó, nhà đày tọa lạc trên đường Tán Thuật, phường Tự An thành phố Buôn Ma Thuột. Đây chính là di tích lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt của khu vực Tây Nguyên. Qua 2 lần trùng tu vào năm 1992, 2006, nơi đây được đưa vào khai thác, mở cửa đón khách tham quan đến học tập, tìm hiểu về lịch sử của Đắk Lắk  nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Nhà đày Buôn Ma Thuột khoác trên mình một màu vàng hoài niệm, nhuốm màu thời gian. Lối vào nhà đày được quét dọn sạch sẽ, tô sơn lại khang trang, hai bên lối đi là những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng.
Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2 ha, gồm 4 bức tường bao quanh cao 4m, dày 40cm, 4 góc đều có vọng gác kiên cố. Toàn bộ khu nhà đày có nhiều hạng mục công trình như: Nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng, nhà nguyện, khu bàn giấy... Các công trình này đi vào hoạt động chính trong 2 giai đoạn, thời Pháp thuộc và thời kháng chiến chống Mỹ.
Thuở mới xây dựng, nhà đày Buôn Ma Thuột khá đơn giản với phần khung nhà được làm bằng gỗ, tường được đắp từ đất bùn trộn rơm, bên trong là lõi tre, phần ngoài cùng được trát một lớp xi măng mỏng, phần mái lợp lá. Sau một thời gian hoạt động khi số lượng tù nhân ngày một nhiều. Nhà đày đã được xây dựng lại kiên cố hơn với tường gạch, mái ngói vào khoảng cuối tháng 11 năm 1931. Về sau, do nhiều vụ vượt ngục nên công trình này được trùng tu kỹ lưỡng và kiên cố như hiện tại.
Nhà đày bao gồm sáu dãy phòng giam (từ lao 1 đến lao 6), một dãy xà lim và một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị: nhà quản ngục, bếp ăn, bệnh xá… Bao quanh là bốn bức tường cao, có dây thép gai ở trên, các góc có tháp canh.
Bên cạnh 6 nhà lao tập thể thì khu xà lim là nơi giam giữ đặc biệt, dành cho tù nhân có mức độ nguy hiểm cao. Tại đây các tù chính trị bị đày đoạ khắc khổ hơn, bị giam trong không gian tầm 2m2, bị cùm chân suốt 24 tiếng và mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Nhưng chúng cũng không ngờ rằng, chính sự tàn bạo dã man đó đã tạo nên một “lực lượng trung kiên” có tổ chức, không khuất phục và không đầu hàng. Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk đã được thành lập tại đây.
Hình nhân mô phỏng trong nhà đày.
Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là một trong những nơi ươm mầm hạt giống cho cách mạng Việt Nam. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ nơi này như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu…Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, đất nước được thống nhất, nhà đày Buôn Ma Thuột cũng được giải tán.
Năm 1980, nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Cho đến tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo dòng chảy thời gian và trải qua 2 lần tu sửa, di tích lịch sử đặc biệt này ít nhiều có sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan hay cơ sở vật chất, tuy nhiên vẫn bảo đảm giữ nguyên bản về chất liệu, màu sắc, hình dáng, kích thước trong quá trình tu sửa.
Hiện tại, cảnh quan khuôn viên khu nhà đày luôn được dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu và tươm tất, trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan và học tập tìm hiểu ở phố núi Buôn Ma Thuột.
Ngày nay đây là địa điểm thu hút du khách đến tham quan, khám phá lịch sử.
Khi tới với Buôn Ma Thuột, du khách ngoài khám phá nhà đày có thể thử ghé qua những địa điểm du lịch nổi tiếng lân cận như:
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan bắt đầu được xây dựng từ những năm 1951 và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong (sắc tứ) của chế độ phong kiến. Và tên gọi của chùa cũng được ghép từ tên của vua Khải Định và vợ là Đoan Hi. Đến nay, ngôi chùa cổ này vẫn là công trình chùa lớn nhất tại Dak Lak.
Vì tồn tại với từng ấy thời gian, công trình Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa và linh thiêng này dần trở thành địa điểm tham quan ở Buôn Mê Thuột được nhiều du khách tìm đến. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy tài năng nghệ thuật chạm khắc vô cùng tinh xảo từ xa xưa.
Khu du lịch Ko Tam
Nếu bạn vẫn đang tìm một địa điểm du lịch Buôn Mê Thuột mang đậm phong cách khu du lịch sinh thái thì hãy đến khu du lịch Ko Tam. Cũng là một nơi nằm trên một vùng núi cao, cũng sở hữu đầy rẫy hoa thơm khoe sắc, nên bạn có thể nhầm lẫn như mình đang ở Đà Lạt.
Khi đến khu du lịch, bạn có thể thỏa sức vui chơi, câu cá, du ngoạn ngắm cảnh và check-in. Đặc biệt nhất là bạn sẽ được trải nghiệm những điều thú vị nhất của văn hóa Ê - đê. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến việc thưởng thức những đặc sản của núi rừng Tây Nguyên như: cơm lam gà nướng, rượu cần, rau rừng,...
Cụm Thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long
Cụm thác gồm Dray Sap, Dray Nur và Gia Long là một đặc sản thiên nhiên nổi tiếng của Buôn Ma Thuột nằm trên con sông Serepok. Trong đó, thác Dray Sap được gọi là thác Chồng còn Dray Nur là thác Vợ. Khi nhìn từ xa đến gần, bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp biến đổi kỳ diệu của cụm thác từ hùng vĩ, mạnh mẽ đến trong lành và dễ chịu.
Nước ở đây trong vắt, mát lạnh giữa rừng núi đại ngàn lại càng thêm trong trẻo. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách chọn cụm ba thác này làm địa điểm du lịch Buôn Mê Thuột khi muốn tìm đến một không gian thư thái, trong lành có thể xóa tan những muộn phiền.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Bạn đã từng nghe qua “Chú voi con ở bản Đôn” nhưng vẫn chưa có cơ hội gặp trực tiếp thì hãy đến ngay với vườn quốc gia Yok Đôn. Tại đây, bạn sẽ được nhìn thấy tập quán sinh sống của các chú voi rừng đáng yêu và cả dòng Serepok huyền thoại chảy qua.