Tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước xuống thấp nhất kể từ năm 2021, Big 4 ngân hàng mất đi nguồn vốn giá rẻ.
Tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) được gửi tại các ngân hàng đã giảm mạnh trong bối cảnh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vào dịp cuối năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Xét về số tuyệt đối, đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch nămvà tăng 19,9% so với năm trước.
Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công đã được Chỉnh phủ thúc giục tới các đơn vị tỉnh thành ngay từ đầu năm 2023 nhằm tạo động lực tăng trưởng kinhtế trong bối cảnh tiêu dùng yếu và ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới.
Cùng với con số kỷ lục này, tiền gửi của KBNN từng là một trong những nguồn vốn giá rẻ lớn của các "ông lớn" ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã sụt giảm mạnh (sau khi tăng đột biến trong năm 2022).
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhóm Big 4 (không bao gồm Agribank do không công bố), tiền gửi từ KBNN tiếp tục xu hướng sụt giảm mạnh so với những quý liền trước và cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/9/2023, KBNN chỉ còn để khoảng gần 24.000 tỷ đồng tại ba nhà băng là Vietcombank, BIDV và VietinBank, giảm khoảng một nửa so với quý liền trước.
Tổng tiền gửi mà KBNN để ở ba nhà băng trên vào cuối quý III/2023 là thấp nhất kể từ quý III/2022. So với cuối năm 2022, KBNN đã rút ra khoảng gần 270.000 tỷ đồng từ ba ông lớn ngân hàng trên. Vào cuối quý III/2023, VietinBank trở thành ngân hàng được KBNN gửi tiền nhiều nhất, đạt gần 20.730 tỷ đồng, gấp gần 5 lần trong so với thời điểm cuối quý trước đó, nhưng vẫn chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn cuối quý IV/2022.
Vietcombank là ông lớn được KBNN gửi nhiều thứ hai, với số dư 1.529 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Số dư này đã tăng nhẹ so với quý liền trước nhưng thấp hơn đáng kể so với cuối năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, BIDV lại là nhà băng bị KBNN rút tiền nhiều nhất, giảm từ gần 40.000 tỷ vào cuối quý II xuống chỉ còn 1.418 tỷ đồng vào ngày 30/9. Thông thường, BIDV luôn là ông lớn được KBNN lựa chọn để gửi tiền nhiều nhất.
Tiền gửi của KBNN là nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho Big4, giúp những nhà băng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng.
>> Đề xuất sửa quy định về cơ chế quản lý tài chính của Kho bạc Nhà nước