"Kho báu" từng được định giá 5 tỷ USD tại Việt Nam nằm trong tay ai?

13-07-2023 12:05|Thanh Hoa

"Kho báu" này hiện đang được lưu giữ tại Vũng Tàu dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam.

Zhongwang - công ty bị các chủ nợ đệ đơn xin phá sản vào cuối năm 2022 từng được biết đến là tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc. Người sáng lập Zhongwang là Liu Zhongtian (Lưu Trung Điền) cũng đã "thất thoát" phần lớn tài sản sau khi công ty sụp đổ, đồng thời bị tạp chí Forbes "gạch tên" khỏi danh sách tỷ phú thế giới.

Ông Liu là một trong những doanh nhân nắm bắt thành công cơ hội khởi nghiệp khi Trung Quốc bắt đầu cải cách. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu sản xuất và bán sơn chống cháy cho các nhà máy tại địa phương chỉ với 200 tệ đi vay. Khi lĩnh vực này sôi nổi hơn, ông thành lập chuỗi nhà máy.

Năm 1989, ông mới bắt đầu kinh doanh nhôm. Nhưng phải đến năm 2002, vị tỷ phú mới bắt đầu chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm nhôm công nghiệp. Chỉ 2 năm sau, nhờ các đơn hàng cung cấp cho ngành đường sắt, Zhongwang đã có được lợi nhuận ổn định.

Năm 2015, Liu sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 4,3 tỷ USD và đứng thứ 690 trong sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, từng là người giàu thứ 53 Trung Quốc trước khi hoạt động kinh doanh lao dốc.

Dù con số tài sản của ông hiện tại không được thống kê cụ thể, song tại Việt Nam đang có một tài sản thuộc sở hữu của ông.

Theo trang tin tài chính Trung Quốc Caixin, khoảng giữa năm 2020, Liu Zhongtian từng cho biết ông đang sở hữu nhiều tấn nhôm thỏi bị hải quan Việt Nam tạm giữ.

Đây chính là kho nhôm thuộc về Global Vietnam Aluminium (GVA) hay Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, nằm ở Vũng Tàu. Công ty này từng vướng vào không ít vấn đề nghiêm trọng trong lịch sử hoạt động. Việt Nam đã ngăn chặn xuất khẩu kho nhôm này vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng. Hiện "núi nhôm" này vẫn đang được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam. Chỉ có một khối lượng nhỏ trong số đó đã được đưa vào dây chuyền sản xuất.

Cuối năm 2016, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin Công ty Nhôm Toàn Cầu do tập đoàn Zhongwang đứng sau chính là điểm tập kết nhôm tại Việt Nam nhằm xóa nguồn gốc hàng hóa Trung Quốc trước khi xuất sang Mỹ để né thuế chống bán phá giá. Khi đó, Zhongwang phản hổi rằng Nhôm Toàn Cầu không liên quan và cũng không phải là khách hàng của công ty Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, đã có một cuộc kiểm tra Nhôm Toàn Cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào năm 2017.

Trong báo cáo của Tổng cục Hải quan về kho nhôm ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 11/2019, cơ quan này cho biết:

“Tại thời điểm báo cáo, Nhôm Toàn Cầu đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Australia, Nga, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…”

Tháng 7/2020, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đưa ra kết luận: Nhôm Toàn Cầu đã thực hiện nâng giá thuê kho bãi của đơn vị có liên quan là Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL Logistics) gấp nhiều lần so với giá thuê đầu vào nhằm mục đích chuyển giá ít nhất 2.680 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2019. Bằng các giao dịch chuyển nhượng cổ phần và phân chia lợi nhuận, PTL Logistics đã chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài.

Về giá trị thực tế của kho nhôm này, năm 2021, do ảnh hưởng của của đại dịch, việc khan hiếm nguồn cung nhôm trên toàn cầu đẩy giá mặt hàng này lên cao kỷ lục. Thời điểm đó, báo chí quốc tế định giá "kho báu" này lên tới 5 tỷ USD. Còn ở thời điểm hiện tại, giá nhôm thế giới đã giảm 1 nửa từ đỉnh sau khi lập kỷ lục vào đầu năm 2022.

Biến động giá nhôm thế giới. Nguồn: Trading Economics
Biến động giá nhôm thế giới. Nguồn: Trading Economics

Trang Caixin gần đây tiết lộ, một số người mua Trung Quốc hiện đang quan tâm đến việc mua lại một phần tài sản nói trên. Dù vậy, vẫn cần thêm cơ sở pháp lý để xác minh tài sản này thuộc sở hữu cá nhân của ông Liu Zhongtian hay công ty Zhongwang.

Bên trong nhà thờ tổ họ Bùi 35.000m2 lớn nhất Việt Nam do ông Bùi Thành Nhơn, Bùi Quang Ngọc cùng 10.000 người góp tiền xây dựng

Một cổ phiếu tăng 150% từ đầu tháng 12: Là công ty Nhà nước chuyên đào kho báu, vốn hóa đạt 21.560 tỷ đồng

Khai quật mộ cổ, bất ngờ phát hiện 'kho báu' toàn vàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kho-bau-tung-duoc-dinh-gia-5-ty-usd-tai-viet-nam-nam-trong-tay-ai-191979.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    "Kho báu" từng được định giá 5 tỷ USD tại Việt Nam nằm trong tay ai?
    POWERED BY ONECMS & INTECH