SSI Research cho rằng, dòng tiền đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy.Công ty chứng khoán này đánh giá dòng tiền đầu tư của khối ngoại vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn.
Trong tuần giao dịch từ 11 - 15/10/2021, hoạt động của nhóm quỹ đầu tư trở nên “trầm lắng” với 2 quỹ đầu tư công bố giao dịch đều đứng về bên mua.
Cụ thể, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua thêm 471.200 cp HDG - Tập đoàn Hà Đô vào ngày 13/10/2021 qua nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 6,79% (11,11 triệu cp) lên 7,08% (11,58 triệu cổ phiếu).
Kết phiên 13/10/2021, giá cổ phiếu HDG tăng lên mức 64.400 đồng/cp - tăng 14% so với hồi đầu tháng 10/2021. Như vậy ước tính nhóm Dragon Capital đã chi hơn 30 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại HDG.
Cùng chiều mua, quỹ ngoại KIM Vietnam Growth Equity Fund thuộc Korea Investment Management cũng tăng thêm sở hữu tại DHC - Đông Hải Bến Tre khi lần lượt mua vào 300.000 cp vào ngày 6/10 và 250.000 cp vào ngày 8/10.
Sau 2 giao dịch này, quỹ ngoại KIM Vietnam Growth Equity Fund chính thức trở thành cổ đông lớn của DHC với tỷ lệ sở hữu tăng lên mức 5,34%, tương đương hơn 3,7 triệu cổ phiếu qua đó nâng tổng sở hữu của nhóm KIM tại đây tăng lên 7,95%, tương đương gần 5,6 triệu cp.
Trong 2 phiên quỹ ngoại KIM Vietnam Growth Equity Fund mua thêm cổ phiếu DHC, giá cổ phiếu tăng lên mức 95.200 đồng/cp vào cuối phiên 8/10. Sau đà tăng này, giá cổ phiếu DHC có phần điều chỉnh - giảm về còn 92,800 đồng/cp vào cuối phiên 15/10.
Theo ghi nhận, giao dịch của khối ngoại là điểm tiêu cực của thị trường trong thời gian gần đây. Sau khi bán ròng gần 9.000 tỷ đồng trong tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 10. Riêng sàn HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 2.200 tỷ đồng. Tại phiên 11/10, khối ngoại bán ròng đột biến 2.564 tỷ đồng – mức kỷ lục tại sàn UpCOM do KKR thoái vốn tại Masan MEATlife, khiến giá trị rút ròng tính từ đầu tháng 10 lên đến hơn 2.770 tỷ đồng.
Đà bán ròng của khối ngoại được đóng góp một phần không nhỏ từ các quỹ hoãn đổi danh mục. Việc rút vốn diễn ra tại nhiều quỹ lớn như Fubon FTSE Vietnam ETF hay DCVFM VNDiamond ETF…
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ bị rút vốn mạnh nhất với 23,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 14,1 triệu USD (khoảng 321 tỷ đồng). Trong đó, lượng chứng chỉ quỹ bị rút nhiều nhất tại phiên 12/10 (7 triệu đơn vị) và 14/10 (6 triệu đơn vị). Hai tháng trước đó, giá trị rút ròng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trước khi bị rút vốn, Fubon FTSE Vietnam ETF từng giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ trong tháng 7. Số tiền quỹ "bơm" ròng từ đầu năm vẫn đạt hơn 9.900 tỷ đồng.
Theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam, vấn đề rút ròng tại quỹ ngoại trong thời gian vừa qua là không hề đáng ngại và đây là hoạt động thường kỳ của một quỹ mở như ETF. Chuyên gia đánh giá Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ là một trong những quỹ có quy mô tài sản lớn tại Việt Nam.
Cơ sở để đưa ra nhận định trên là quỹ ETF này dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 333.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Sau đợt phát hành, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ lên khoảng 20 tỷ Đài Tệ (khoảng 720 triệu USD, tương đương hơn 16.000 tỷ đồng), qua đó trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguồn: Bloomberg/Tổng hợp
Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng bị rút ròng khoảng 50.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng gần 1 triệu USD (22 tỷ đồng) trong những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là lần đầu tiên VNM ETF bị rút vốn trong năm nay. Song quỹ vẫn hút ròng khoảng 928 tỷ đồng lũy kế từ đầu năm, .
Ngược lại, KIM Kindex Vietnam VN30 hút ròng 3,9 triệu USD (khoảng 88,7 tỷ đồng) những ngày đầu tháng 10. Tuy nhiên, quỹ vẫn là một trong những đơn vị bị rút ròng nhiều nhất trên thị trường kể từ đầu năm với giá trị hơn 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.720 tỷ đồng.
Về nhóm quỹ ETF nội, VFMVN Diamond bị rút mạnh nhất nửa đầu tháng 10 với 3,3 triệu chứng chỉ quỹ, ứng với 89 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 9, quỹ cũng bị rút gần 990 tỷ đồng khi PYN Elite Fund thoái vốn.
Giá trị rút vốn tại quỹ thuộc Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) khác là VFM VN30 ETF trong thời gian 1 - 14/10 ở mức 74 tỷ đồng. Tuy nhiên tại phiên 15/10, quỹ phát hành thêm 4,8 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị tương ứng 121,4 tỷ đồng, khiến cho tổng giá trị hút ròng nửa đầu tháng 10 đạt 47,3 tỷ đồng.
Hai quỹ ETF thuộc của công ty Quản lý quỹ SSI là SSIAM VNFinLead và SSIAM VN30 hút ròng lần lượt 28 tỷ đồng và 2 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 10.
Các quỹ ETF khác nhìn chung không có biến động lớn về dòng vốn trong những ngày đầu tháng 10. Ngày 12/10 vừa qua, thị trường vừa chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 với mã chứng khoán là FUEIP100. Theo SSI Research, quy mô của quỹ còn nhỏ (giá trị IPO 52 tỷ đồng) nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.
SSI Research cũng đưa ra nhận định dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.
Công ty chứng khoán đánh giá dòng tiền đầu tư của khối ngoại vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn. Dù vậy, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022.
3 tỷ phú tiền điện tử ‘hái ra tiền’ nhờ đợt tăng giá lịch sử năm 2024 
Chuyên gia hé lộ 6 yếu tố có thể quyết định sự thành bại của tiền điện tử trong năm 2025