Khoảng 8.000 thỏi vàng 'lặng lẽ' rời kho qua Mỹ, chuyên gia nói gì?
Khoảng 8.000 thỏi vàng, tương đương 2% tổng lượng vàng mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang nắm giữ, đã được chuyển từ kho chứa ở London sang New York.
Khoảng 8.000 thỏi vàng 'lặng lẽ' rời kho qua Mỹ
Thị trường vàng thế giới đang chứng kiến một làn sóng di chuyển kim loại quý chưa từng có, khi các định chế tài chính lớn như JPMorgan Chase đang gấp rút vận chuyển vàng từ khắp nơi về Mỹ để tận dụng chênh lệch giá.
Theo đó, khoảng 8.000 thỏi vàng, tương đương 2% tổng lượng vàng mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang nắm giữ, đã được chuyển từ kho chứa ở London (Anh) sang New York (Mỹ). Đây là một động thái đáng chú ý trong bối cảnh thị trường vàng đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động từ chính trị và kinh tế toàn cầu.
Kho vàng của Ngân hàng Trung ương Anh, nằm sâu dưới Phố Threadneedle tại London, được coi là một trong những kho vàng lớn nhất thế giới. Với hơn 400.000 thỏi vàng trị giá hơn 200 tỷ bảng (khoảng 252 tỷ USD), đây là nơi lưu giữ vàng không chỉ cho Anh mà còn cho các Ngân hàng Trung ương và tổ chức tài chính quốc tế. BoE là một trong những đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp dịch vụ lưu trữ vàng cho các quốc gia khác.
Sự dịch chuyển này không phải là ngẫu nhiên. Một phần lý do đến từ sự lo ngại về những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Mới đây, ông Trump đã áp dụng mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng vàng có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo. Do đó, các nhà giao dịch và doanh nghiệp vàng đã quyết định đưa vàng ra khỏi London để tận dụng sự chênh lệch giá và bảo vệ tài sản trước bất kỳ biến động nào.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói gì?
Trước hiện tượng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập với 32 năm kinh nghiệm tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam đã có những nhận định quan trọng về nguyên nhân của sự dịch chuyển, ảnh hưởng và xu hướng giá vàng trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thị trường vàng toàn cầu hiện đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ do tình hình địa chính trị phức tạp. Từ khi ông Donald Trump nhậm chức, quan hệ quốc tế trở nên căng thẳng, đặc biệt là xung đột Ukraine, tình hình Trung Đông và các biện pháp thuế quan gây ảnh hưởng lớn đến các đồng minh cũng như đối tác kinh tế như Trung Quốc.

Sự bất ổn về địa chính trị và tài chính đã khiến giá vàng leo thang, có lúc chạm ngưỡng 2.900 USD/ounce. Dù hiện tại giá vàng đang giảm về 2.894 USD/ounce do một số nhà đầu tư chốt lời, nhưng tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 200 USD/ounce.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển lượng lớn vàng sang Mỹ xuất phát từ nhu cầu bảo vệ tài sản trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế gia tăng. Các nhà đầu tư và ngân hàng trên thế giới luôn tìm đến những địa điểm có hệ thống pháp luật và an ninh tài chính vững chắc, trong đó Mỹ được xem là một trong những nơi lý tưởng nhất.
Dù sao đi nữa, Mỹ vẫn là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, nơi bảo vệ tài sản tính bằng pháp luật và quân sự chặt chẽ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Ông cũng cho biết thêm, việc dịch chuyển vàng về Mỹ là một biện pháp để bảo vệ cái tài sản của cá nhân chứ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường vàng. Giá vàng biến động chủ yếu do nhu cầu tích trữ của nhà đầu tư và tình hình địa chính trị toàn cầu. Nếu bất ổn tiếp tục gia tăng, giá vàng có thể tiếp tục xu hướng đi lên.
Dự báo về giá vàng trong tương lai, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá vàng sẽ tiếp tục tăng và vượt mốc 3.000 USD/ounce do các yếu tố sau:
Thứ nhất, tình hình địa chính trị toàn cầu đang diễn biến phức tạp, với các xung đột kéo dài tại Ukraine, Trung Đông, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Những bất ổn này làm gia tăng nhu cầu đầu tư vào vàng, từ đó đẩy giá vàng lên cao.
Thứ hai, vàng luôn được xem là kênh bảo toàn giá trị trong bối cảnh khủng hoảng và lạm phát. Trước những bất ổn kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đang gia tăng tích trữ vàng, làm gia tăng nhu cầu và góp phần đẩy giá vàng lên cao hơn.
Thứ ba, tại Mỹ, lạm phát vẫn chưa được kiểm soát triệt để, khiến đồng USD mất giá. Chỉ số USD Index đã giảm từ mức hơn 108 điểm xuống còn khoảng 106,6 điểm, làm suy yếu sức mạnh của đồng bạc xanh và thúc đẩy nhu cầu mua vàng như một tài sản thay thế.
Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang do dự trong việc giảm lãi suất do lạm phát chưa đạt mức kỳ vọng. Bên cạnh đó, chính sách thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Canada, Mexico, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác – bao gồm cả Việt Nam – có thể gây thêm bất ổn cho thương mại toàn cầu, tạo động lực cho giá vàng tiếp tục tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng, mặc dù chiến tranh thương mại chưa thực sự nổ ra, nhưng nguy cơ xảy ra là có, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang gia tăng.
Ông lưu ý rằng, Việt Nam không nên quá lạc quan khi cho rằng mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ. Trước đây, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Việt Nam từng bị đưa vào danh sách các quốc gia bị nghi ngờ thao túng tiền tệ. Do đó, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng và có thể sớm vượt mốc 3.000 USD/ounce.
>> Gần 100 tấn vàng được đưa lên máy bay sang Mỹ: Chuyện gì đang xảy ra?