Nhu cầu về các khoáng chất quý giá được sử dụng trong các bộ pin ô tô điện đang buộc ngành khai thác trên thế giới phải tìm kiếm dưới đáy đại dương nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Đến thời khai thác khoáng sản dưới đáy biển
Vào năm 2021, công ty khởi nghiệp DeepGreen Metals có trụ sở ở Vancouver (Canada) đang nuôi tham vọng khai thác cobalt và các khoáng chất quan trọng khác để sản xuất từ pin xe điện, tuốc-bin gió cho đến tấm năng lượng mặt trời ở dưới đáy của các đại dương.
Nằm sâu dưới Bắc Thái Bình Dương trong một khu vực có diện tích tương đương nước Mỹ là hàng tỉ viên đá có kích cỡ như củ khoai tây nằm rải khắp trên mặt đáy. Những viên đá màu nâu đen này (hay còn gọi là kết hạch đa kim) chứa rất nhiều khoáng chất quý giá như cobalt, nickel, mangan, những thành phần quan trọng của pin xe điện và các tấm năng lượng mặt trời.
Khi thế giới đang trong cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nhu cầu các kim loại như cobalt, nickel, mangan tăng mạnh vì chúng giúp lưu trữ năng lượng
DeepGreen Metals là một trong số ít những công ty trên thế giới đang tiên phong lên kế hoạch khai thác trữ lượng khoáng chất khổng lồ còn nguyên vẹn dưới đáy biển như là một giải pháp hướng đến một tương lai bền vững vì việc khai thác các kết hạch đa kim dưới đáy biển không đòi hỏi phải khoan, nổ mìn hay đào.
Tham vọng của DeepGreen Metals, dù còn vấp phải nhiều nghi ngại, nhưng vừa được tiếp sức khi mới đây, công ty xây dựng đường ống xa bờ Allseas (Thụy Sĩ) đồng ý rót 150 triệu đô la Mỹ để giúp DeepGreen Metals phát triển kỹ thuật khai thác khoáng sản dưới đáy biển.
Allseas là công ty nổi tiếng với việc đóng con tàu xây dựng lớn nhất thế giới nặng hơn một triệu tấn, có tên gọi Pioneering Spirit, có khả năng lắp đặt và tháo dỡ các giàn khoan dầu khí xa bờ chỉ với một cú thả hoặc nhấc.
Động thái góp vốn của Allseas cho DeepGreen Metals là một dấu hiệu hiếm hoi cho thấy các kế hoạch khai khoáng dưới đáy dại dương đang có bước tiến triển mới sau nhiều năm bị nghi ngờ do đối mặt với các quy định quản lý còn chưa chắc chắn cũng như các lo ngại về môi trường.
Những ý kiến ủng hộ khai thác khoáng sản ở đáy các đại dương cho rằng đây là một giải pháp thay thế cho các hoạt động khai khoáng trên đất liền và có thể giúp thế giới đáp ứng nhu cầu tăng vọt về các kim loại sử dụng cho pin xe điện trong 10 năm tới.
DeepGreen Metals cho rằng khí thải carbon dioxide sản sinh từ hoạt động “múc” các kết hạch đa kim ở đáy biển thấp hơn so với các mỏ khai khoáng trên đất liền vì quy trình này không bao gồm các hoạt động nổ mìn, khoan hay đào.
Song các ý kiến chỉ trích nói rằng hoạt động khai khoáng dưới đáy biển sâu sẽ hủy hoại môi trường sống nguyên sinh và nhạy cảm ở dưới đáy đại dương. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một thỏa thuận bảo vệ các đại dương khỏi các hoạt động khai khoáng.
“Các nhà khoa học cảnh báo rằng khai khoáng ở đáy biển sâu có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái đại dương mà chúng ta còn ít hiểu biết”, thông báo của Greenpeace nhấn mạnh.
Liệu việc khai thác dưới đáy biển có cần thiết cho một cuộc cách mạng xe điện?
Các công ty khai thác dưới đáy biển tuyên bố kim loại hiếm cần thiết để cung cấp năng lượng cho công nghệ sạch ngay cả khi những doanh nghiệp chế tạo ô tô điện hàng đầu thế giới ủng hộ lệnh cấm và đi tìm giải pháp thay thế.
Trong khi nhiều người mua ô tô điện chọn phương tiện của họ vì lý do môi trường, một số người có thể ngạc nhiên khi biết hoạt động khám phá kim loại có giá trị hiện đang được tiến hành 4 km dưới bề mặt đại dương để giúp cung cấp năng lượng cho các mẫu xe trong tương lai.
Mới đây, Công ty Metals của Canada đã thông báo họ đã thu thập được 14 tấn đá kim loại từ một hoạt động kéo dài 60 phút trên một phần 150 mét của đáy biển Thái Bình Dương, gần nằm trong khu vực giữa Hawaii và Mexico.
Với kích thước khác nhau, từ đá cuội đến quả bóng cricket, các loại đá đa kim chứa hỗn hợp các vật liệu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất pin, bao gồm niken sunfat, coban sulphat, đồng và mangan.
Nằm trong khu vực được gọi là đồng bằng vực thẳm, khu vực này bao phủ 70% đáy đại dương và là môi trường sống lớn nhất trên trái đất, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Automotive News trích dẫn một báo cáo năm 2020 từ tạp chí khoa học Nature (trích dẫn dữ liệu Khảo sát Địa chất Mỹ) ước tính có 274 triệu tấn trữ lượng niken trong một khu vực rộng 4,4 triệu km vuông ở đại dương được gọi là Khu vực Clarion-Clipperton - so với ước tính trên đất liền trữ lượng chỉ có khảng 95 triệu tấn.
Đáng kể hơn nữa là trữ lượng coban dưới đáy biển nhiều hơn gần 500% so với trữ lượng trên đất liền.
Những người phản đối như Greenpeace và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho rằng các hoạt động khai thác sẽ phá hủy môi trường sống dưới đáy đại dương.
Một nghiên cứu trên tạp chí Science tuyên bố tiếng ồn từ các hoạt động khai thác kiểu này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật biển trong bán kính 500km.
Ở một diễn biến khác, tập đoàn Volkswagen, công ty xe hơi lớn thứ hai thế giới, đã ký vào lệnh cấm khai thác dưới đáy biển được tạo ra vào cuối năm 2021, do WWF lập ra để kiến nghị chấm dứt hoạt động này.
Tập đoàn BMW, Volvo, Renault và Rivian cũng đã công khai ký vào lệnh cấm của WWF.
Xem thêm: Các siêu thị tiện lợi ở Mỹ “đi ngược xu hướng” không muốn xây trạm sạc