Khốc liệt cuộc đua thị phần môi giới sàn HoSE 2024: Nhóm midcap trỗi dậy, một ông lớn chào thua
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt trên sàn HoSE, với sự vươn lên mạnh mẽ của các CTCK mới và áp lực sụt giảm từ nhóm dẫn đầu, phản ánh sự chuyển động đáng chú ý trong bức tranh thị phần môi giới.
10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE năm 2023 |
10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE năm 2024 |
Những thay đổi lớn trong Top 10 CTCK
Theo dữ liệu từ HoSE, cả ba gương mặt Top đầu về thị phần năm 2023 đều đánh rơi thị phần sau 12 tháng năm 2024.
CTCK VPS duy trì vị trí dẫn đầu với 18,26% song đã giảm nhẹ so với mức 19,06% của năm trước đó. Mặc dù vẫn nắm giữ vị thế số 1, đây là tín hiệu cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi các đối thủ liên tục mở rộng thị phần.
CTCK SSI (công ty có vốn điều lệ cao nhất ngành) dù vẫn đứng Top 2 nhưng thị phần môi giới đã giảm từ 10,44% (2023) xuống 9,18%.
Trong khi đó, VNDirect (Mã VND) chứng kiến cú sụt giảm mạnh nhất Top 10 khi rơi từ vị trí thứ 3 với 7,01% xuống thứ 6 với 5,87% cho thấy sự mất cân bằng trong chiến lược giữ chân khách hàng và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ.
Sự cố hệ thống bị tấn công hồi cuối quý I/2024 khiến thị phần của công ty giảm nhanh, kéo theo sự suy giảm niềm tin và vị thế doanh nghiệp. VNDirect đang bị SSI và TCBS bỏ lại khoảng cách khá xa trong cuộc đua về vốn và hiệu quả kinh doanh. Thậm chí, vị trí Top 3 về lợi nhuận cũng đang bị VPS đe dọa sau 9 tháng năm 2024.
>> 10 CTCK môi giới lớn nhất HOSE năm 2022 kiếm được bao nhiêu tiền từ môi giới? 
Sự vươn lên của nhóm bám đuổi
Điểm sáng lớn nhất trong cuộc đua thị phần môi giới sàn HoSE năm 2024 là CTCK Kỹ Thương (TCBS) khi tăng từ 6,32% lên 7,18%, vào Top 3. Thành công của TCBS đến từ việc tận dụng hệ sinh thái khách hàng của Techcombank và đẩy mạnh các sản phẩm tài chính bán lẻ.
Tượng tự, CTCK HSC (Mã HCM) và Vietcap (Mã VCI) cũng có bước tiến đáng kể, giữ vị trí thứ 4 và 5 với thị phần lần lượt là 6,41% và 6,08%. Điều này phản ánh chiến lược tập trung vào khách hàng tổ chức và gia tăng hiệu quả dịch vụ. Dấu ấn lợi nhuận trước thuế tăng bằng lần lên mức nghìn tỷ sau 9 tháng là minh chứng.
Đáng nói, sự vươn lên của TCBS và đà giảm sút của VNDirect tạo nên bức tranh đối lập rõ rệt trong năm 2024. TCBS tận dụng tốt nền tảng khách hàng và hệ sinh thái ngân hàng mẹ để phát triển các sản phẩm độc đáo, từ đó mở rộng thị phần. Ngược lại, VNDirect, dù từng là "ngôi sao sáng" trong phân khúc bán lẻ, lại đánh mất phong độ khi thị phần giảm mạnh. Việc áp dụng chiến lược "không đánh đổi biên lợi nhuận để giữ thị phần", không chạy theo xu hướng zero fee thức đẩy sự chuyển dịch của khách hàng sang các CTCK có chiến lược tốt hơn.
Nhóm dưới gia tăng áp lực cạnh tranh
Các công ty trong nhóm cuối bảng như Mirae Asset, MB, KIS và VCBS vẫn giữ ổn định thị phần, lần lượt đạt khoảng 4,5-2,9%. Điều này cho thấy nỗ lực duy trì vị thế và mở rộng tệp khách hàng mới, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ tài chính ngày càng cạnh tranh về chi phí và tiện ích.
Bức tranh thị phần môi giới sàn HoSE năm 2024 khép lại với nhiều chuyển động đáng chú ý: sự giảm sút của nhóm dẫn đầu và sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm bám đuổi. Năm 2025, thị trường được dự báo tiếp tục chứng kiến những biến động lớn, khi các công ty không chỉ cạnh tranh bằng phí giao dịch mà còn phải nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ và năng lực tư vấn để thu hút khách hàng.
Cuộc đua thị phần môi giới trong năm 2025 sẽ không chỉ là về thứ hạng mà còn là sự khẳng định chiến lược dài hạn, vị thế thương hiệu và khả năng thích nghi của các CTCK trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt.
>> VPS, VNDirect tiếp tục mất thị phần môi giới vào tay đối thủ trong quý IV/2024