Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến ông Trần Bắc Hà của BIDV hiện tại ra sao?

13-05-2024 09:52|Thuận Phong

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư được khởi động rầm rộ năm 2015 gắn với cựu Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà đã để lại "cục xương" nghìn tỷ cho BIDV nhiều năm nay.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án do Công ty CP Bình Hà sẽ triển khai tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với sản phẩm đầu ra là thịt bò hơi và các sản phẩm liên quan cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, với 150.000 con bò thịt, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cố định là 2.849 tỷ đồng để thực hiện các chi phí liên quan đến đất, xây dựng, máy móc thiết bị, nhập bò.

Trong tổng số 5.000 tỷ đồng, số vốn Bình Hà vay BIDV là 2.190 tỷ đồng do BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay. Trong đó BIDV Hà Tĩnh đầu tư 1.200 tỷ đồng, các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.

Khoản cấp tín dụng này có thời hạn vay 10 năm, trong đó 2 năm đầu ân hạn. Lãi suất cho vay được áp dụng theo cho vay thương mại trên thị trường, 3 tháng điều chỉnh một lần.

>> Với quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống, BIDV sẽ nhắm tới phân khúc khách hàng nào?

Hàng loạt Giám đốc, cán bộ ngân hàng BIDV dính vòng lao lý

Mở đầu với quy mô hoành tráng nhưng sau khi được BIDV giải ngân vốn, Bình Hà trên thực tế chỉ xây 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ trên 68ha đất, trồng 678ha cỏ để nuôi bò…

Truyền thông dẫn tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến tháng 6/2017, Bình Hà đã nhập về 43.387 con bò thịt để nuôi béo.

Dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò mỗi năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi vỗ béo, lượng bò nhập về thả nuôi giảm dần theo từng năm. Cuối tháng 3/2017, dự án ngừng nuôi, hệ thống chuồng trại bỏ không.

Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến bò của BIDV hiện tại ra sao?
Ảnh: Nhà đầu tư

Ngày 12/6/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Văn Dũng - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà với tội danh Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt (TP. Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Lương được xác định là đồng phạm và đã bị khởi tố, bắt tạm giam với cùng tội danh.

Cơ quan chức năng xác định Đinh Văn Dũng và Nguyễn Xuân Lương đã có hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản liên quan đến đại dự án nuôi bò thịt và bò giống tại Hà Tĩnh.

Theo cáo buộc, quá trình triển khai xây dựng dự án, ông Dũng kê khai khống nhiều danh mục tài sản chứng minh vốn tự có nhằm mục đích để BIDV tin tưởng vào năng lực tài chính của mình để giải quyết cho Công ty Bình Hà vay tiền đầu tư dự án.

Ngoài ra, ông Dũng thông đồng với ông Lương thỏa thuận với 3 giám đốc công ty khác về việc trích lại khoảng 20% giá trị hợp đồng xây lắp, kinh tế và lập khống hồ sơ thanh quyết toán khối lượng các hạng mục thi công...

Ông Dũng đã chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ đề nghị BIDV Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản các nhà thầu để họ chuyển lại cho Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng. Ông dùng số tiền này góp vốn vào Bình Hà dưới danh nghĩa cổ đông cá nhân để chứng minh vốn đối ứng, từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016 đã vay và chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng của BIDV Hà Tĩnh.

Trên thực tế, việc điều tra cũng chỉ ra đứng sau dự án nuôi bò nghìn tỷ này là cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. Ông Hà sử dụng công ty sân sau là Công ty CP tập đoàn An Phú do con trai làm Chủ tịch để xin cấp phép đầu tư, thành lập Công ty Bình Hà.

Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến bò của BIDV hiện tại ra sao?
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 26/10/2020 (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong phiên tòa xét xử vào ngày 26/10/2020, Thẩm phán đặt câu hỏi: "Từ khi vay đến khi vụ án bị đưa ra xét xử thì Công ty Bình Hà đã trả được cho BIDV bao nhiêu tiền?"

Người đại diện của Công ty Bình Hà cho biết, trong vốn vay có vay trung hạn và ngắn hạn, tổng số cho vay là hơn 2.600 tỷ đồng; hiện (T10/2020) đã trả hơn 1.400 tỷ đồng, số dư nợ còn hơn 1.200 tỷ đồng.

Vị này cũng cho biết thêm: "Với tài sản hiện nay thì không đủ trả nợ, nhưng về dài hạn, phương án của Công ty Bình Hà hoạt động có hiệu quả thì có thể trả nợ. Căn cứ theo các hợp đồng tín dụng đã ký, Công ty Bình Hà có trách nhiệm xử lý các nghĩa vụ trả nợ. Về xử lý tài sản, Công ty tôn trọng các hợp đồng thế chấp đã ký với ngân hàng. Hiện, Công ty thực hiện các phương án tái cơ cấu, do đó Công ty mong muốn sử dụng các tài sản để hợp tác với các đối tác để triển khai".

Người đại diện của Công ty Bình Hà khẳng định, phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận, Cơ quan chức năng, Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an thống nhất ủng hộ về mặt chủ trương.

>> BIDV Ninh Bình thông báo tổ chức đấu giá khoản nợ 570 tỷ

Khoản nợ xấu 1.200 tỷ tại BIDV giờ ra sao?

Đại án nghìn tỷ gây thiệt hại cho BIDV cuối cùng đã khép lại với bản án nghiêm khắc dành cho Đinh Văn Dũng, Nguyễn Xuân Lương vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một loạt các cựu cán bộ của BIDV liên quan đến việc thẩm định, đề xuất cấp tín dụng cho Bình Hà bao gồm ông Trần Lục Lang - cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV, Kiều Đình Hòa - cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh và Lê Thị Vân Anh - cựu Trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh cũng nhận về bản án thích đáng cho những sai phạm của mình.

Riêng ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã tử vong trong trại tạm giam sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công án (C03) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Có người mất, có người lãnh án chung thân, nhưng số tiền nghìn tỷ còn mắc lại từ năm 2020 cho đến nay vẫn là "cục xương cá" ngang họng BIDV.

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện tại CTCP Bình Hà vẫn đang còn dư nợ (xấu) hơn 1.200 tỷ đồng tại nhà băng này. Trong đó, BIDV Hà Tĩnh đang "ôm" dư nợ lớn nhất, hơn 600 tỷ đồng.

Theo dõi biến động dư nợ trong 1 năm trở lại đây, dư nợ của CTCP Bình Hà có giảm, tuy nhiên mức độ trả nợ không đáng kể so với nợ gốc.

Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến bò của BIDV hiện tại ra sao?
Hệ thống chuồng trại của Dự án Chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà ở Cẩm Xuyên sau tái cơ cấu từ tháng 5/2022 đến nay đang bỏ không, chưa nuôi con bò nào. Ảnh: Trần Tuấn (T11/2022) (báo Lao Động)

Trong nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình, năm 2022, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã xây dựng Đề án tái cơ cấu và đề xuất điều chỉnh dự án. Theo đó, quy mô giảm còn 35.000 bò, bổ sung thêm quy mô trồng các loại dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu... dự kiến 934 ha; diện tích đất giảm còn 1.227 ha; tổng vốn đầu tư giảm còn 1.800 tỉ đồng; tiến độ thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, về cơ bản điều này không thể giúp một doanh nghiệp đã bị “rỗng” về tài chính có thể vực dậy. Những nhà đầu tư trước đó được cho là tham gia tái cơ cấu Bình Hà cũng không thấy còn thông tin xuất hiện trên truyền thông.

Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến bò của BIDV hiện tại ra sao?
Chuồng bỏ không, mái tôn hư hỏng. Ảnh: Trần Tuấn (báo Lao Động)

Tới tháng 11/2022, theo ghi nhận từ phóng viên báo Lao Động, hiện trạng máy móc, nhà xưởng, chuồng trại tại một phần dự án ở huyện Cẩm Xuyên bị hư hỏng, xuống cấp từng ngày. Cả dãy dài tít tắp chuồng nuôi vẫn đang bỏ hoang, không nuôi một con bò nào. Nhiều chuồng mái tôn đã bị gió tốc mái, hư hỏng, hoen gỉ.

Phần dự án thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên chủ yếu chỉ trồng sắn nhưng cây sắn phát triển khá cằn cỗi, thấp và bị cỏ dại lấn át rất nhiều.

Trả lời báo Lao động, ông Võ Phi Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà - cho biết, sau khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận điều chỉnh quy mô dự án, từ tháng 5/2022 đến nay (tháng 11/2022-PV), Công ty đã nhập về nuôi 3.400 con trâu, bò ở trang trại thuộc huyện Kỳ Anh. Công ty cũng đã xuất bán 600 con bò.

"Chuồng trại ở huyện Cẩm Xuyên chúng tôi cũng sẽ nuôi trở lại nhưng đang làm việc với đối tác để sửa sang lại và hoàn thiện một số thủ tục khác nữa." - ông Long nói.

Thủ tục có thể hoàn thiện, bò có thể nuôi lại, nhưng 1.200 tỷ đồng nợ xấu, Bình Hà lấy gì để trả cho BIDV?

>>Khoản nợ xấu ở Sacombank có liên quan bà Trương Mỹ Lan: 26 căn hộ, shophouse và 1 loạt BĐS Quận 3 sẽ xử lý ra sao?

Thỏa thuận với BIDV có thể giúp HAGL tiếp tục báo lãi đột biến?

BIDV rao bán thửa đất có diện tích gần 150m2 ngay quận Tây Hồ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-no-xau-1200-ty-va-dai-an-5000-ty-lien-quan-den-ong-tran-bac-ha-cua-bidv-hien-tai-ra-sao-234399.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Khối nợ xấu 1.200 tỷ và đại án 5.000 tỷ liên quan đến ông Trần Bắc Hà của BIDV hiện tại ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH