Nếu cách đây 10 năm, BIDV thiên về bán buôn thì trong thời gian gần đây Ngân hàng đã cơ cấu lại khách hàng.
Ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã chứng khoán: BID ) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội có sự góp mặt của 184 đại biểu, đại diện cho hơn 5,5 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại phiên thảo luận, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về phân khúc khách hàng của BIDV trong thời gian tới. Trả lời câu hỏi, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, nếu cách đây 10 năm, BIDV thiên về bán buôn thì trong thời gian gần đây Ngân hàng đã cơ cấu lại khách hàng. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ khách hàng lớn chiếm 33%, khách hàng vừa và nhỏ là 23% và khách hàng cá nhân là 43%.
>> BIDV trình kế hoạch tăng vốn lên 70.000 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức 
Theo ông Tú, tại Việt Nam, các ngân hàng lớn đều cạnh tranh ở tất cả phân khúc khách hàng, và không có ai chỉ chuyên khách hàng cá nhân. Với quy mô tổng tài sản lớn nhất trên hệ thống, BIDV cũng không theo riêng một phân khúc nào mà đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, với từng phân khúc khách hàng, từng lĩnh vực cụ thể, BIDV cũng có chiến lược cạnh tranh riêng. Ngân hàng đưa ra chiến lược phát triển nhóm khách hàng lớn và có những chính sách để đảm bảo phát triển mối quan hệ đó như đồng tài trợ, quản lý dòng tiền. Ngoài ra, khách hàng SME cũng đóng góp rất lớn vào nền kinh tế cả về dòng tiền, lao động, BIDV đã có những chính sách tư vấn, hỗ trợ khách hàng kể cả về đào tạo, quản trị.
Đối với khách hàng cá nhân, hiện dư nợ cho vay nhóm này khoảng 43%, huy động vốn khoảng 55% và là một khối cách hàng cực kỳ quan trọng. Trong 10 năm trở lại đây, phân khúc này phát triển vượt bậc. Ở phân khúc bán lẻ, BIDV có nhiều chương trình mới như việc hợp tác với đối tác nước ngoài từ châu Âu, Singapore trong quản lý tài chính cá nhân cho khách hàng giàu có.
Nhìn chung, cấu trúc khách hàng của BIDV cả về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, FDI, SME hiện tương đối ổn định.
BIDV tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/4. Ảnh: Vietstock |
Về kế hoạch tăng vốn, BIDV lên kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu mới. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng. Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Ngân hàng dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại của BIDV hơn 3.144 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2024, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến mức 14,04%. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,4%.
>> 'Ông lớn' Big4 đầu tiên công bố lợi nhuận quý I/2024, lãi hơn 7.000 tỷ đồng 
'Ông lớn' Big4 đầu tiên công bố lợi nhuận quý I/2024, lãi hơn 7.000 tỷ đồng 
BIDV trình kế hoạch tăng vốn lên 70.000 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức