Việc nhiều doanh nghiệp từ chối nhận tiền mặt đang trở thành vấn đề lớn đối với Trung Quốc khi nước này cố gắng thu hút khách du lịch nước ngoài không sử dụng hệ thống thanh toán điện tử.
Business Insider (BI) đưa tin, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phạt 7 doanh nghiệp vào tuần trước - bao gồm cả KFC  và một số chi nhánh của các tập đoàn Nhà nước - vì từ chối thanh toán  bằng tiền mặt.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy việc chi tiêu dễ tiếp cận hơn đối với khách du lịch nước ngoài. Được biết PBOC đã đưa ra những hình phạt như vậy trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý, những nhân viên bị phạt lần này đều làm việc cho một số doanh nghiệp lớn nhất và lâu đời nhất của Trung Quốc, cho thấy thanh toán điện tử đã trở nên vô cùng phổ biến ở quốc gia này.
Theo BI, một cửa hàng KFC ở thành phố Vô Tích, Giang Tô đã bị phạt khoảng 4.140 USD (tương đương 105,4 triệu đồng) vì từ chối nhận tiền mặt từ khách hàng đặt bữa sáng. Nhân viên chịu trách nhiệm phải trả khoảng 410 USD (tương đương 10,4 triệu đồng).
Trung Quốc gần đây đã phạt một số doanh nghiệp, trong đó có KFC, vì từ chối nhận tiền mặt. Ảnh: BI |
Những doanh nghiệp bị phạt khác bao gồm các chi nhánh của tập đoàn Nhà nước như chi nhánh Nội Mông của China Post, văn phòng tại Cam Túc của công ty bảo hiểm New China Life Insurance và văn phòng Giang Tô của công ty bảo hiểm PICC Property and Casualty.
Trung Quốc đang yêu cầu các doanh nghiệp địa phương mở thanh toán bằng tiền mặt trở lại khi nước này cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch sau đại dịch.
Người dân trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thanh toán điện tử và mã QR trước đại dịch, và phương thức này ngày càng phổ biến trong những năm đất nước bị phong tỏa.
BI tiết lộ, đến cuối năm 2023, 86% các khoản thanh toán ở Trung Quốc đều được thực hiện qua điện thoại di động.
Điều này vô tình trở thành một vấn đề đối với những người nước ngoài du lịch tại Trung Quốc, khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những nhà cung cấp chấp nhận tiền mặt hoặc thậm chí cả thẻ tín dụng.
Vì vậy, các nền tảng thanh toán lớn như Alipay và WePay đang bắt đầu cho phép người dùng liên kết thẻ ngân hàng quốc tế với tài khoản Trung Quốc của họ. Giới hạn giao dịch một lần đối với người nước ngoài cũng tăng từ 1.000 USD lên 5.000 USD.
Mã thanh toán của Wechat Pay và Alipay được treo trên một gian hàng tại chợ rau tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: BI |
Năm nay, Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp như khách sạn 3 sao và các công ty dịch vụ taxi bắt đầu chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế.
Dù vậy, quá trình chuyển đổi trên diện rộng cho đến nay vẫn diễn ra chậm chạp. Chẳng hạn, một công ty taxi ở Thượng Hải vào tháng 4 tuyên bố rằng họ sẽ bố trí 50 chiếc taxi chấp nhận thẻ tín dụng nước ngoài trong khi có hơn 50.000 xe taxi trong thành phố.
Du lịch là nguồn thu chính của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu dự đoán lĩnh vực này sẽ mang lại khoảng 800 tỷ USD cho quốc gia tỷ dân vào năm 2024.
Nhưng lượng khách quốc tế hiện vẫn tăng trưởng khá thấp. Chỉ có khoảng 35 triệu du khách nước ngoài đến Trung Quốc vào năm 2023, tương đương 30% mức trước đại dịch.
Làn sóng không dùng tiền mặt ở Trung Quốc cũng gây lo ngại cho người cao tuổi, khi một cuộc khảo sát cho thấy 75% người cao tuổi ở nước này vẫn sử dụng tiền giấy.
Ở Trung Quốc, việc từ chối tiền mặt khi mua hàng là bất hợp pháp và các biện pháp xử lý của Chính phủ cũng trở nên cứng rắn hơn trong vài năm qua.
Cơ quan quản lý đã phạt nhiều công ty vì từ chối tiền mặt, trong khi truyền thông Nhà nước khuyến khích việc sử dụng tiền mặt như “phương tiện thanh toán cơ bản nhất”.
>> 'Vua gà rán' KFC đột ngột đóng cửa hơn trăm cửa hàng vì lý do 'ngã ngửa'