Không phải chứng khoán hay bất động sản, đây mới là tài sản đầu tư hấp dẫn bậc nhất hiện nay
Kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu đợt tăng giá hồi tháng 10/2022, giá vàng đã vượt xa mức tăng của thị trường, lên tới 67% so với mức lợi nhuận khoảng 63% của S&P 500.
Vàng  đã tăng phi mã trong năm nay và đạt mức kỷ lục 2.772 USD/oz trong tuần trước. Với mức tăng khoảng 33% kể từ đầu năm tới nay, lợi nhuận từ vàng đã vượt xa lợi nhuận của thị trường chứng khoán nói chung, bao gồm cả Nasdaq 100, với mức tăng khoảng 10 điểm phần trăm.
Kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu đợt tăng giá hồi tháng 10/2022, giá vàng đã vượt xa mức tăng của thị trường, lên tới 67% so với mức lợi nhuận khoảng 63% của S&P 500, theo dữ liệu từ YCharts.
Lợi nhuận cao khiến vàng trở thành một trong những khoản đầu tư hấp dẫn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ ETF.com, quỹ ETF vàng lớn nhất SPDR Gold Shares quản lý 78 tỷ USD tài sản và đã ghi nhận khoảng 5 tỷ USD dòng tiền chảy vào trong 6 tháng qua.
Vàng miếng cũng đang trên đà. Business Insider (BI) đưa tin, siêu thị bán lẻ Costco của Mỹ bán tới 200 triệu USD vàng thỏi và đồng xu bạc cho các khách hàng của mình mỗi tháng. Đây thực sự là "cơn bão hoàn hảo" đối với kim loại quý này và triển vọng cho thấy giá vàng sẽ còn tăng nhiều hơn nữa trong tương lai.
Theo đó, các chuyên gia đã nghiên cứu và liệt kê các yếu tố chính giúp thúc đẩy đà tăng của vàng trong thời gian qua.
Nhu cầu từ các Ngân hàng Trung ương
Trong vài năm gần đây, các Ngân hàng Trung ương (NHTW) toàn cầu đã liên tục mua vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhóm này đã mua kỷ lục 483 tấn vàng trong nửa đầu năm. Trong đó, các NHTW của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu danh sách những người mua lớn nhất.
Goldman Sachs cho rằng sự gia tăng gấp ba lần lượng vàng mua vào của các Ngân hàng Trung ương kể từ giữa năm 2022 - xuất phát từ lo ngại về các lệnh trừng phạt tài chính và nợ công của Mỹ - có thể mang tính cấu trúc và sẽ tiếp tục diễn ra.
Thêm nữa, mọi người đang có xu hướng tìm đến những giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán bằng USD - vốn đã là trụ cột của kiến trúc tài chính quốc tế trong suốt khoảng 80 năm qua.
Nga đã đạt được một số thành công với điều này, vì họ đã xoay xở để đưa nền kinh tế của mình thoát khỏi suy thoái toàn diện sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng vào năm 2022.
Khả năng của Nga trong việc đưa nền kinh tế phi USD hóa của mình thoát khỏi khủng hoảng có thể mang lại cho các quốc gia khác sự tự tin để giảm sự phụ thuộc của họ vào đồng USD, điều này cuối cùng có lợi cho vàng.
"Điều đang bị đe dọa ở đây không chỉ là sự xói mòn vai trò thống trị của đồng USD mà còn là sự thay đổi dần dần trong hoạt động của hệ thống toàn cầu", nhà kinh tế Mohamed El-Erian nhận định.
Ông nói thêm là: “Khi nó phát triển sâu hơn, điều này có nguy cơ làm phân mảnh đáng kể hệ thống toàn cầu và làm xói mòn ảnh hưởng quốc tế của đồng USD và hệ thống tài chính Mỹ”.
Căng thẳng địa chính trị
Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Vì vậy, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư có xu hướng đổ xô đến kim loại quý này.
Hơn nữa, nợ công tăng vọt của Mỹ có nghĩa là trái phiếu Kho bạc Mỹ, một tài sản trú ẩn an toàn khác, có thể không còn an toàn như trước nữa.
Ông Donald Trump
Tỷ lệ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng lên và vàng là bên hưởng lợi lớn.
Nguyên nhân là do khả năng ông Trump trở thành Tổng thống sẽ đi kèm với thâm hụt ngân sách tăng vọt và nợ công tăng nhanh, làm xuất hiện nhiều lo ngại về việc lạm phát tăng trở lại và tính bền vững của đồng USD, theo Business Insider.
Theo chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của Interactive Brokers, ngay cả khi ông Trump không thắng cử, thâm hụt vẫn có khả năng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho vàng tăng giá nhiều hơn nữa.
Lãi suất giảm
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, lãi suất giảm thường có lợi cho giá vàng, khi giá hàng hóa này tăng tới 10% trong 6 tháng sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ).
Với việc Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm tới, mức lãi suất thấp hơn sẽ đóng vai trò thúc đẩy giá vàng.
Trong khi lãi suất thực sự tăng vọt kể từ lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng trước, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 vào tuần này, giá vàng vẫn tiếp tục tăng.
Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vàng đang tập trung nhiều hơn vào lộ trình lãi suất toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này, trong khi Ngân hàng Trung ương Canada cắt giảm 50 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần trước và các nhà kinh tế cho biết họ thấy Ngân hàng Anh sẽ cắt giảm lãi suất lớn hơn so với suy đoán trước đây của thị trường.
Theo BI
>> Chuyên gia: Giá vàng có thể vượt mốc 3.000 USD/oz 
Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/10: Cảnh báo không kích vang rền suốt 5 tiếng ở Kiev 
Israel tấn công trả đũa Iran, nhiều tiếng nổ vang lên