Thế giới

Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây

Vũ Bấc 21/08/2024 - 02:28

Mặc cho “bão táp trừng phạt” và chi phí chiến tranh, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững nhờ quan hệ thương mại với các quốc gia Trung Á.

Theo ông Dmitry Birichevsky, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga, Moscow đang lên kế hoạch ứng phó với các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều thập kỷ từ phương Tây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác động của các biện pháp này có thể không nghiêm trọng như dự đoán. Kinh tế Nga vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng 4% trong quý II, sau mức tăng 5,4% trong quý I năm nay.

Kazakhstan đã trở thành cầu nối thương mại quan trọng của Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ. Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu công nghệ từ quốc gia Trung Á này sang Nga đã tăng vọt từ 40 triệu USD năm 2021 lên tới 298 triệu USD trong năm 2023. Đáng chú ý, nhập khẩu điện tử từ châu Âu vào Kazakhstan cũng tăng gấp đôi, từ 250 triệu euro lên 709 triệu euro trong cùng kỳ.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu các công ty Kazakhstan thực sự đã mở rộng sản xuất, hay đây chỉ là con đường vòng để hàng hóa châu Âu tiếp tục vào thị trường Nga bất chấp lệnh cấm vận?

Kazakhstan không phải trường hợp duy nhất trong khu vực. Nhiều quốc gia lân cận khác như Armenia, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á cũng chứng kiến hoạt động thương mại với Nga và châu Âu tăng đột biến.

Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây - ảnh 1
Tổng thống Nga Putin gặp mặt lãnh đạo các nước Trung Á tại điện Kremlin

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sang nhóm nước này đã tăng 46 tỷ euro trong năm 2023, tương đương mức tăng 50% so với năm 2021. Con số này bù đắp tới 75% lượng giảm xuất khẩu trực tiếp từ EU sang Nga trong cùng giai đoạn.

Mặc dù các lệnh trừng phạt là một trong những công cụ chính của phương Tây nhằm gây sức ép lên Nga, tác động của chúng vẫn chưa rõ ràng. Sau hơn hai năm rưỡi sa lầy trong cuộc xung đột với Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn sừng sững trước “bão trừng phạt”.

Hơn nữa, mức tăng trưởng thương mại lớn nhất thông qua các nước thứ ba lại tập trung vào những mặt hàng đang bị hạn chế nghiêm ngặt. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu đứng trước thách thức lớn trong việc bịt kín các lỗ hổng.

Tuy nhiên, nỗ lực này đồng nghĩa với việc phải đối đầu với một số Chính phủ của các nước phía Đông châu Âu - vốn là những đối tác khó nhằn và nhạy cảm về mặt địa chính trị.

Thương mại trung gian

Sự bùng nổ trong thương mại trung gian giữa Nga và phương Tây có ba nguyên nhân chính: Đầu tiên là việc công khai lách các lệnh trừng phạt.

EU đã ban hành 14 đợt trừng phạt, gần đây nhất vào ngày 24/6, cấm xuất khẩu sang Nga các sản phẩm có thể sử dụng trong quân sự. Danh sách cấm vận bao gồm từ chất bán dẫn, máy bay không người lái đến cả ổ bi và lò vi sóng. Tuy nhiên, theo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (London), hơn 50% thiết bị chiến trường Nga mua từ tháng 2 đến tháng 8/2022 vẫn chứa linh kiện sản xuất tại châu Âu hoặc Mỹ.

Đáng chú ý, mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất trong xuất khẩu từ EU sang Kazakhstan và Armenia là hóa chất, điện tử và máy móc - những nhóm sản phẩm chịu lệnh cấm vận nặng nề.

Xuất khẩu máy móc từ EU sang Kazakhstan tăng gấp đôi từ 2021 đến 2022, và tiếp tục tăng 23% trong năm 2023, đạt 6,4 tỷ euro.

Trong khi đó Armenia tăng nhập khẩu từ châu Âu gấp đôi về hóa chất, gấp 5 về phần cứng CNTT và gấp 4 về điện tử trong năm 2023 so với 2021.

Các lô hàng thường đi qua nhiều bên trung gian trước khi đến Nga. Một số nhà xuất khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á có thể không biết nguồn gốc hàng hóa, nhưng nhiều đơn vị khác lại nắm rõ thông tin. Cuối năm 2023, Mỹ đã phát hiện và trừng phạt nhiều mạng lưới công ty châu Âu vận chuyển thiết bị cấm qua các nước như Uzbekistan, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Kyrgyzstan.

Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây - ảnh 2
Kazakhstan đang phải vật lộn để đưa dầu ra thị trường thế giới mà không cần vận chuyển qua cảng Novorossiysk của Nga

Lý do thứ 2 năm ở việc hạn chế vận chuyển trực tiếp. Nga đã ban hành lệnh cấm xe tải EU nhập cảnh trực tiếp từ năm 2022, buộc hàng hóa phải đi đường vòng qua các nước trung gian. EU không quá lo ngại về điều này, vì chi phí vận chuyển tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu giao thương với Nga, đồng thời vẫn giúp các công ty phụ thuộc vào thị trường Nga tồn tại. Số liệu chính thức cho thấy nông sản từ châu Âu vào Kazakhstan đã tăng gấp đôi từ 2021 đến 2023.

Lý do cuối cùng và cũng được coi là nan giải nhất đến từ sự bùng nổ sản xuất tại các nước thứ ba.

Các công ty tại các nước thứ ba nhập khẩu vật liệu và linh kiện từ châu Âu - không nhất thiết vi phạm quy định - để sản xuất hàng hóa. Một số mặt hàng xuất khẩu như dệt may, sắt thép thô vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nhà cung cấp thiết bị gia dụng lớn cho châu Âu trước chiến tranh, hiện bị Mỹ cáo buộc sản xuất máy bay không người lái và vi điện tử cho Nga. Kazakhstan cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu máy móc văn phòng từ châu Âu, với giá trị tăng gấp ba lần lên gần 1 tỷ USD từ 2021 đến 2023.

Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây - ảnh 3
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phủ nhận cung cấp linh kiện điện tử cho hệ thống quân sự của nước láng giềng, nhưng chuỗi cung ứng công nghệ của Nga với thế giới vẫn liền mạch

Kinh tế chiến tranh - Ai được ai mất?

Các nền kinh tế Trung Á và vùng Kavkaz dường như đang hưởng lợi từ cuộc chiến. Năm nước cộng hòa Trung Á đạt tăng trưởng 6% vào năm 2023, tăng từ 4% năm 2022. Armenia thậm chí còn đạt mức tăng trưởng 8%, tăng từ 5% năm trước. Ngành logistics bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 20% hàng năm.

Đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu, đây là tình huống khó xử. Mặc dù đã dự đoán một số "rò rỉ", quy mô hiện tại vượt xa dự kiến. EU đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào các công ty ở Armenia và Uzbekistan từ tháng 12/2023, đồng thời đe dọa mở rộng trừng phạt đối với các nước thứ ba và công ty châu Âu xuất khẩu sang các nước này.

Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả đòi hỏi sự hợp tác từ Chính phủ các nước Kavkaz và Trung Á - một nhiệm vụ không dễ dàng do mối quan hệ gần gũi của họ với Nga. EU có thể cân nhắc sử dụng cả "cây gậy và củ cà rốt", như trường hợp Armenia gần đây đã bắt đầu đóng cửa các công ty giao dịch với Nga sau khi nhận được 270 triệu euro viện trợ từ EU.

Câu hỏi đặt ra là liệu EU có sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh hơn, như mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang các nước thứ ba hoặc hạn chế hoạt động của ngân hàng nước ngoài, để thắt chặt trừng phạt Nga hay không.

Quyết định này sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá lợi ích đối với Ukraine so với những tổn thất có thể xảy ra cho chính các công ty châu Âu và mối quan hệ với các đối tác trong khu vực.

Theo Economist

>> Nền kinh tế lớn nhất châu Âu mua hàng triệu tấn dầu qua đường ống dài nhất thế giới do Nga vận hành

Quốc gia NATO xây căn cứ quân sự gần Nga, chuẩn bị đón 4.000 lính Đức

Nga ‘hốt bạc’ nhờ bán nhiên liệu cho EU, doanh số bỏ xa tiền viện trợ mà Ukraine nhận được

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/khong-phai-trung-quoc-lo-dien-vi-cuu-tinh-bi-an-giup-nga-thoat-bao-trung-phat-cua-phuong-tay-125661.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây
    POWERED BY ONECMS & INTECH