Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp
Việc phát triển các khu thương mại tự do là cơ hội lớn để Đà Nẵng và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Sáng ngày 14/11, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn “Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ tại thành phố.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển của Đà Nẵng với hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống cảng biển và cảng hàng không quốc tế, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông, thành phố hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ, thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, với vai trò là trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Gần đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136 (ngày 26/6/2024), cho phép thành phố thử nghiệm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Đà Nẵng, trong đó bao gồm đề xuất thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng với mô hình đô thị kinh doanh tích hợp. Đây sẽ là khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp |
Ông Cường cho biết, chính sách đặc thù này giúp Đà Nẵng khai thác hiệu quả tiềm năng của cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực và quốc tế. Thành phố dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt chính thức thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng vào cuối năm 2024.
Ngành logistics tại Đà Nẵng dù có tiềm năng nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế và thiếu nhân lực chất lượng cao. Hiện các doanh nghiệp logistics đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics, với chỉ số hiệu quả logistics (LPI) đạt 3,3 điểm, xếp hạng 43 trên 154 quốc gia và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN vào năm 2023. Ngành logistics Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân từ 14-16% mỗi năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng cho biết thêm, việc phát triển các khu thương mại tự do là cơ hội lớn để Đà Nẵng và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
>> MM Mega Market 'chốt' ngày mở cửa trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam 
Ninh Thuận thu về hơn 3.700 tỷ đồng từ du lịch 
Phòng vệ thương mại đang 'nóng' lên, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng