Nhà đất và vàng tăng dựng đứng, giới trung lưu cầm tiền tỷ bối rối
Thu nhập khá cao, có tài sản tích lũy cả tỷ đồng nhưng không ít người ở các đô thị lớn như Hà Nội lo lắng bị "nghèo hóa", tài sản bị hao mòn nếu lạm phát cao, giá vàng, bất động sản leo thang... và nguy cơ mất việc, thu nhập giảm.
Nhiều người đang ráo riết tìm kênh đầu tư để bảo toàn tài sản và tích lũy cho tương lai. Đâu là lối đi trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, thế giới đầy biến động và khó tìm nơi sinh lời?
Rốt ráo tìm kênh đầu tư
Sau một tháng trì hoãn, gia đình anh Đình Đông ở Nam Từ Liêm, Hà Nội như ngồi trên đống lửa với số tiền 2 tỷ đồng trong tay khi giá vàng  liên tục tăng mạnh, vượt mốc 100 triệu đồng/lượng và không có dấu hiệu hạ nhiệt; trong khi đó, giá bất động sản có xu hướng sốt nóng ở một số địa phương ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh thành. Chưa kể, nỗi lo giá cả hàng hóa leo thang.
“Nghe đã thấy gian nan rồi! Giá đất tăng nhanh quá, vàng thì cao. Lương không tăng kịp theo bão giá”, anh Đông lo ngại.
Gia đình anh vừa trượt cơ hội mua đất ở ngoại thành Hà Nội, vốn để bảo toàn tài sản và tích lũy cho tương lai. Anh đang tính đến khả năng vay thêm để đầu tư do lãi suất đang ở mức thấp, đồng tiền có nguy cơ mất giá theo những bất ổn trên thế giới.
Không ít người sống ở các đô thị lớn ở vào tình trạng như gia đình anh Đông.
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, đang lo lắng về thu nhập không tăng kịp theo giá các loại tài sản lớn như bất động sản, vàng.
Với thu nhập từ 30-75 triệu đồng/tháng, những người thuộc nhóm này từng được xem là ổn định, có khả năng tích lũy tài sản lên tới vài tỷ đồng. Nếu trước đó, họ đầu tư vàng và bất động sản hay một số tài sản khác... thì nay túi tiền đã rủng rỉnh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chớp được cơ hội như vậy. Một số không dám vay để đầu tư khi thu nhập còn bấp bênh. Việc giá nhà đất, giá vàng tăng vọt đang tạo áp lực lớn lên nhóm người này, khiến việc duy trì vị thế trung lưu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Anh Nguyễn Văn Hùng tại Hà Nội có thu nhập khá ổn định ở mức 45 triệu đồng/tháng và khoản tiết kiệm gần 3 tỷ đồng. Anh dự định mua một căn hộ chung cư ở khu vực Long Biên để cho thuê.
Nhưng anh băn khoăn, đầu tư một khoản tiền lớn như vậy cộng với vay thêm mà giá cho thuê chưa theo kịp là không hợp lý, mà cho thuê giá cao thì khó tìm khách thuê. Nếu gửi ngân hàng thì lãi thấp và cũng có thể sẽ hết dần.
Chưa kể, giá căn hộ trung bình ở Hà Nội đã tăng lên khoảng 4 tỷ đồng, cao hơn nhiều nếu ở vị trí tốt.
Tương tự, chị Trần Thị Mai (42 tuổi, trú tại Bắc Giang), cũng đang đau đầu tìm hướng đầu tư. Chị chia sẻ: “Tôi tích lũy được hơn 2 tỷ đồng sau nhiều năm, giờ vàng tăng lên cả trăm triệu đồng mỗi lượng, mua vào sợ không còn tăng nhiều, vàng lại không sinh lãi. Bất động sản thì khó với tới, còn gửi ngân hàng thì lãi cũng chẳng bao nhiêu. Tôi rất lo nếu không tìm được cách sinh lời, khi con cái lớn gia đình sẽ càng khó khăn”.
Tầng lớp trung lưu lo lắng
Nguyên nhân sâu xa của nỗi lo trên có lẽ nằm ở chỗ chênh lệch ngày càng lớn giữa thu nhập và chi phí sinh hoạt. Giá bất động sản tăng vọt, trung bình lên tới vài chục phần trăm/năm, vài năm có thể tăng gấp đôi, vượt xa tốc độ tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu chỉ quanh mức 5-10%/năm. Giá vàng cũng tăng mạnh, lãi suất ngân hàng thấp và lạm phát cao.
Không những thế, nỗi lo còn đến từ xu hướng biến đổi mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay đổi xu hướng việc làm cũng như đầu tư. AI và tự động hóa đang dần thay thế các công việc truyền thống... Điều này buộc tầng trung lưu phải điều chỉnh chiến lược tích lũy và đầu tư để thích nghi.
Vàng và bất động sản vẫn là kênh được nhiều người quan tâm, nhưng không hẳn còn quá hấp dẫn.
Trước hết, thị trường bất động sản, dù được đánh giá vẫn sẽ tăng trong dài hạn, nhưng có lẽ không còn là lựa chọn tối ưu cho đầu tư ngắn hạn. Với giá nhà đất đã tăng lên quá cao, thanh khoản giảm, rủi ro chính sách về thuế gia tăng,... hoạt động “lướt sóng” kiếm lời có thể rủi ro.
Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng, bất động sản ở các khu vực vùng ven thành phố lớn hoặc tỉnh lẻ, nơi giá còn mềm và hạ tầng đang phát triển, có thể là cơ hội cho những ai có tầm nhìn 5-10 năm.
Còn với vàng, đây là kênh đầu tư truyền thống nhưng đang dần suy giảm sức hút do giá tăng quá nhanh trong năm 2024 và đầu năm 2025. Sau khi chạm ngưỡng 98-100 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2025, các dự báo cho thấy giá vàng có thể chững lại hoặc có những đợt điều chỉnh nếu căng thẳng địa chính trị suy giảm.
Lựa chọn đầu tư vàng có thể không sinh lời cao. Đây được xem là tài sản phòng thủ, với một tỷ lệ nhỏ trong danh mục đầu tư.
Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 14-15% trong năm 2025, đây là kênh tiềm năng cho tầng lớp trung lưu. Theo một số công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp có triển vọng tươi sáng.
Thế nhưng, đầu tư chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức và khả năng chấp nhận rủi ro, phù hợp hơn với những người sẵn sàng học hỏi và theo dõi sát sao.
Cuối cùng, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn nhưng không mang lại lợi nhuận đột phá. Với lãi suất ở mức 3-6%/năm, đây là nơi giữ vốn trong ngắn hạn.
Một nguyên tắc cũng thường được khuyến nghị là cần đa dạng hóa danh mục đầu tư. Không đầu tư toàn bộ tiền vào một kênh duy nhất. Việc đầu tư vào bản thân, học các kỹ năng mới như công nghệ, tài chính để thích nghi với xu hướng làm việc hiện đại, từ đó tăng cường thu nhập chủ động. Tránh tâm lý “lướt sóng” kiếm lời nhanh trong bối cảnh thị trường biến động.
Có thể ưu tiên các kênh có tiềm năng tăng trưởng vững chắc như cổ phiếu ngành công nghệ cao hoặc bất động sản vùng ven nhưng phải nắm giữ lâu dài.
>> Giá vàng vọt lên đỉnh cao kỷ lục, một tuần tăng 4 triệu đồng/lượng 
Giá vàng vọt lên đỉnh lịch sử 3.085 USD, vàng SJC sắp bỏ xa 100 triệu đồng 
Giá vàng vọt lên đỉnh cao kỷ lục, một tuần tăng 4 triệu đồng/lượng