Khu vực có nhiều trường đại học nhất Việt Nam
Mạng lưới các trường đại học và quy mô sinh viên tại Việt Nam là vấn đề nhận được nhiều chú ý vì có sự phân bổ không đều giữa các vùng miền.
Trên chuyên trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo  công bố dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mạng lưới các trường đại học và quy mô sinh viên tại Việt Nam là vấn đề nhận được nhiều chú ý vì có sự phân bổ không đều giữa các vùng miền.
Cụ thể, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học , trong đó có 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương); 67 cơ sở ngoài công lập (5 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương). Số lượng các trường tăng khá nhiều, tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền, nhưng lại có sự tương quan khá chặt chẽ với sự phát triển kinh tế giữa các vùng. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).
Không chỉ có sự chênh lệch về số lượng cơ sở giáo dục đại học, quy mô sinh viên giữa các vùng miền cũng có sự khác biệt. Đồng bằng sông Hồng - nơi có Thủ đô Hà Nội và có sự phát triển kinh tế cao so với các vùng khác, chiếm 23,49% dân số cả nước, có tỉ lệ trường đại học 44,26% và quy mô sinh viên chiếm 39,86% tổng số sinh viên cả nước. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô dân số chiếm 17,75% nhưng chỉ có 6,97% trường đại học và sinh viên chỉ chiếm 8,24%.
Về đội ngũ giảng viên, quy mô và chất lượng giảng viên có sự phát triển rõ rệt trong những năm qua. Tuy nhiên, giảng viên có trình độ tập trung chủ yếu ở các trường đại học tại các vùng kinh tế xã hội phát triển. Năm học 2021 - 2022, số lượng giảng viên đạt 78.190, trong đó tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ chiếm 32,4% (so với khoảng 11% vào năm 2011), giảng viên có trình độ đại học chiếm tỉ lệ xấp xỉ 7,1% (năm 2011 chiếm khoảng 47%). Tỉ lệ giảng viên có chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư cũng tăng đều trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đạt tỉ lệ khoảng 6,6%.
Đặc biệt, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội là 2 cơ sở có tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trong tổng số giảng viên cơ hữu cao nhất và số lượng giảng viên trình độ cao (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ) cũng nhiều nhất.
Với khu vực miền Trung, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng là hai cơ sở giáo dục đại học có đồng thời tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ và số lượng giảng viên trình độ cao lớn nhất. Tuy nhiên, số lượng giảng viên là Giáo sư (khoảng hơn 600 người), Phó Giáo sư (hơn 4.500) vẫn thấp; trong toàn hệ thống cũng vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giáo dục đại học (khoảng 40%) có tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trong tổng số giảng viên cơ hữu thấp hơn 20%.
Về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sắp xếp theo hướng giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô. Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, miền. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng  vẫn là vùng có số lượng cao nhất với số lượng từ 103-105 cơ sở giáo dục đại học. Vùng Tây Nguyên sẽ có từ 4 - 5 cơ sở giáo dục đại học.
>>Đại học rộng nhất Việt Nam, có hơn 550 Giáo sư, Phó Giáo sư, gần 1.700 Tiến sĩ 
Trường đại học có nhiều tân Giáo sư, Phó Giáo sư nhất Việt Nam 
Đại học nào có nhiều tân giáo sư, phó giáo sư nhất cả nước?