Kích hoạt 9.000 tấn thuốc nổ san phẳng gần 400 ngọn núi, xây siêu sân bay quốc tế 1,4 triệu m2, được xếp hạng cao nhất cho một cảng hàng không
Tổng thể cấu trúc của sân bay được lấy cảm hứng từ hình ảnh chim mặt trời.
Sân bay quốc tế  Thiên Phủ Thành Đô (Trung Quốc) khởi công xây dựng vào tháng 5/2016 và chính thức khánh thành vào tháng 6/2021. Đây là một trong hai sân bay quốc tế của Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đóng vai trò phục vụ chính cho thành phố.
Với sự ra đời của sân bay này, Thành Đô trở thành thành phố thứ ba ở Trung Quốc, sau Thượng Hải và Bắc Kinh, có hai sân bay quốc tế. Sân bay Thiên Phủ Thành Đô chủ yếu khai thác các chuyến bay quốc tế, trong khi sân bay Song Lưu Thành Đô sẽ tập trung phục vụ hàng không nội địa.
Thiên Phủ Thành Đô có quy mô lên đến 1,4 triệu m2, khả năng đón 120 triệu hành khách mỗi năm. Nằm cách trung tâm Thành Đô 50km về phía Đông, sân bay này đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp 4F - thứ hạng cao nhất được chỉ định cho một cảng hàng không. Đây cũng là trung tâm chính của Hàng không Quốc tế Thành Đô.
Sân bay chính thức khởi công xây dựng vào ngày 27 /5/2016, đến ngày 24/4/2021, sân bay hoàn thành diễn tập toàn diện và chính thức mở cửa đón các chuyến bay vào ngày 27/6 cùng năm. Chuyến bay đầu tiên từ sân bay này là đường bay đến Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, được khai thác bởi hãng hàng không Tứ Xuyên với máy bay Airbus A350-900. Từ đó đến nay, quy mô sân bay đã được mở rộng thêm, cùng với việc liên tục cải thiện dịch vụ và cơ sở vật chất để phục vụ hành khách.
Tổng thể cấu trúc của sân bay Thiên Phủ Thành Đô được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh chim mặt trời, với bốn tòa nhà  ga đơn vị tượng trưng cho bốn chim thần bay cùng mặt trời trên lưng. Ý tưởng thiết kế này tượng trưng cho nền văn minh nhà Thục cổ đại ở nước Thục, một vùng đất huyền diệu của Thành Đô.
Nhà ga T1 của Sân bay Thiên Phủ Thành Đô có diện tích xây dựng 387.400m2, là nhà ga tổng hợp phục vụ các tuyến nội địa và quốc tế, thuộc nhà ga hạng nhất. Nhà ga T2 với diện tích xây dựng 332.200m2, chuyên phục vụ các tuyến nội địa. Trung tâm nhà ga là sảnh, với ba mặt là các hành lang A, B và C. Nhà ga có năm tầng chính trên mặt đất, bốn tầng lửng phía trên và một tầng ngầm.
Nhà ga T1 có ba khu vực làm thủ tục với tổng cộng 68 quầy. Nhà ga T2 có bốn khu vực làm thủ tục với 62 quầy, trong đó 36 quầy tự phục vụ và 26 quầy thủ công. Sân bay Thiên Phủ Thành Đô còn cung cấp dịch vụ khách sạn với hai khách sạn là Khách sạn Yuexiang Airport Tianfu 5 sao và Khách sạn Yuexiang Airport Tianfu 3 sao, với tổng số 877 phòng (theo thống kê từ năm 2021). Sảnh khách sạn cho phép hành khách trực tiếp check-in và xử lý thủ tục nhận phòng.
Khu vực quanh các sảnh sân bay và nhà ga được trang bị các khu thương mại, cửa hàng miễn thuế, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi và phòng chờ hiện đại, tiện nghi, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của hành khách khi đến với sân bay Thiên Phủ Thành Đô.
Sân bay cũng có một tàu điện chạy với vận tốc 140km/h kết nối sân bay với trung tâm thành phố; một đường tàu khác kết nối sân bay này với sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô.
Kế hoạch xây dựng sân bay mới để giảm tải cho sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô đã được Trung Quốc khởi xướng từ năm 2007. Đến năm 2011, kế hoạch này được chính thức xác nhận và việc lựa chọn địa điểm bắt đầu được triển khai. Sau hai năm khảo sát và nghiên cứu, vào tháng 6/2013, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã quyết định chọn thị trấn Lô Gia, huyện Giản Dương làm địa điểm xây dựng sân bay mới.
Vào đầu năm 2015, dự án xây dựng sân bay Thành Đô mới được Trung ương chính thức phê duyệt. Tháng 9 cùng năm, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc công bố tên chính thức của sân bay: Sân bay quốc tế Thiên Phủ Thành Đô.
Để xây dựng siêu sân bay quốc tế này, đội ngũ thi công đã sử dụng đến 9.000 tấn thuốc nổ để san phẳng hơn 370 ngọn núi, với vốn đầu tư giai đoạn đầu lên đến 10,8 tỷ USD. Sân bay Thiên Phủ Thành Đô không chỉ là một công trình hạ tầng trọng điểm mà còn đóng vai trò quan trọng như cửa ngõ kết nối với châu Âu, Trung Đông và các khu vực khác của châu Á, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Tứ Xuyên phát triển mạnh mẽ.