Các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Song hành cùng các doanh nghiệp xây lắp, nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi lớn khi đầu tư công được đẩy mạnh nhờ nhu cầu về thép, đá, xi măng. Trên thực tế, gần như mọi công trình xây dựng đều cần tới đá và chi phí chiếm khoảng 10-15% giá trị đầu tư xây dựng (tỷ trọng khá cao trong xây dựng).
Đáng chú ý, chi phí khai thác ngành đá ít biến động, do vậy, chi phí tăng lên thì giá bán cũng tăng. Theo đó, ngành đá sẽ được hưởng lợi “kép” cả về giá bán và sản lượng.
Chứng khoán Yuanta (FSC) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành Đá xây dựng với nhiều điểm nhấn hưởng lợi từ đầu tư công.
Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một ưu tiên chính của Chính phủ trong 2023 (dự kiến là 707 nghìn tỷ). Các dự án chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch đầu tư công trong 2023-2025 là sân bay Long Thành (tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD) trong đó giai đoạn 1 là 5,5 tỷ USD và hạ tầng giao thông khoảng 1/3 ngân sách.
Nhu cầu đá xây dựng |
Đặc biệt chú trọng phát triển các tuyến đường cao tốc với hơn 1.970km cao tốc được triển khai xây mới, gấp 13 lần hiện tại, chiếm hơn 50% tổng chiều dài đường cao tốc trong kế hoạch giai đoạn này. Chi phí đá ước tính chiếm khoảng 30-35% chi phí xây dựng cao tốc (không bao gồm chi phí mặt bằng). Theo đó, nhu cầu đá ước tính cho giai đoạn này là khoảng 4 tỷ m3/năm, tăng 10% so với ước tính 2022.
Sang giai đoạn 2023-2025, Yuanta ước tính tổng tiêu thụ đá cho đầu tư công sẽ bao gồm 40% nhu cầu đá cho xây dựng các công trình hạ tầng (chủ yếu là cao tốc) và sân bay Long Thành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành khai khoáng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai.
Theo FSC, giá bán hiện tại cho đá xây dựng 1x2 (dùng trong sản xuất bê tông trong các công trình dân dụng) cuối tháng 4/2023 là khoảng 200-250 nghìn đồng/m3; giá bán hiện tại cho đá 0x4 (dùng cho các công trình đường bộ) khoảng 150-250 nghìn đồng/m3.
Theo đó, nếu so sánh chỉ số giá cổ phiếu/m3 đá của các doanh nghiệp hiện tại với giá bán đá trên thị trường, VLB, CTI, DHA, NNC, MDG, DND, CI5 là các cổ phiếu (doanh nghiệp) có giá thị trường rẻ tương đối so với các doanh nghiệp đá còn lại. Tuy nhiên, đá là một ngành đặc thù vì vậy cần cân nhắc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư dựa trên các tiêu chí sau:
Vị trí mỏ
Nguồn: VND |
Với ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn (chủ yếu bằng đường thuỷ và đường bộ) trong giá thành thành phẩm. Vì vậy, tuỳ thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
VNDirect dự báo cụm mỏ đá sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi là Tân Cang và Thạch Phú – Thiện Tân. Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 – TPHCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Còn cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện vận chuyển đường thủy.
Hiện nhiều doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang như VLB, DND, DGT, DHA.
Trữ lượng khai thác đá và sản lượng được cấp phép
Việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới.
Vì thế, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn như VLB, KSB, DHA,... sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2030.
Căn cứ vào các yếu tố trên, CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) là doanh nghiệp tiềm năng nhất khi đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1.500.000 m3/năm, thời gian khai thác dài và trữ lượng còn lại tại cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3.