'Kinh phí chi trả cho người nghỉ khi sắp xếp thấp hơn trả lương họ trong 5 năm'
Theo Bộ Nội vụ, nguồn kinh phí để chi trả cho người nghỉ sớm khi sắp xếp bộ máy thấp hơn kinh phí chi trả cho họ tiếp tục làm việc trong 5 năm.
Chiều 5/2, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đề nghị đại diện Bộ Nội vụ cho biết việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm khi hợp nhất, tinh gọn và sắp xếp bộ máy sau khi đã được Trung ương thống nhất.
Ngoài ra, phóng viên cũng đặt vấn đề về nguồn kinh phí thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ theo diện tinh giản được chuẩn bị ra sao.
“Thời gian qua xuất hiện thông tin có những cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi có thể nhận về vài tỷ đồng. Xin cho biết rõ hơn về thông tin này?”, phóng viên nêu câu hỏi với đại diện Bộ Nội vụ.
Trả lời vấn đề trên, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 178 quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Ông Minh thông tin, Ban Chỉ đạo Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể, phù hợp. Trên cơ sở đó, cộng với việc đánh giá kết quả làm việc trong 3 năm gần nhất để lựa chọn những người được giữ lại, những người thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn.
Theo ông Minh, quan điểm về bộ máy mới phải đảm bảo nguyên tắc là rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm. Nếu không chứng minh được rõ ở vị trí đó làm việc gì, sản phẩm gì, khối lượng công việc làm trong 1 năm thì phải đưa vào diện sắp xếp.
Đồng thời, phải tính toán làm sao để tìm ra đội ngũ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nhiệm vụ ngang tầm nhiệm vụ để vận hành bộ máy mới đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
"Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với phương án trình của Chính phủ liên quan đến cơ cấu Chính phủ, cơ cấu nhân sự, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm, đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có phương án cụ thể sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Riêng về số lượng con người cụ thể, theo ông Minh, phải chờ cấp có thẩm quyền thông qua đề án về cơ cấu Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành... Ngay cả những bộ không thuộc diện hợp nhất, sắp xếp thì cũng tổ chức tinh gọn đầu mối bên trong. Vấn đề liên quan đến yếu tố con người, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng... nên tiếp tục phải chờ.
Theo ông Minh, hiện nay Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn kinh phí, lập dự toán, sử dụng kinh phí trong sắp xếp bộ máy...
Về vấn đề có đủ nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp hay không, ông Minh khẳng định, khi làm dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp Tổng Bí thư.
"Theo đánh giá tác động, nếu thực hiện theo như phương án của Nghị định 178 thì nguồn kinh phí để chi trả cho những người nghỉ khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để chi trả cho họ tiếp tục làm việc trong 5 năm", ông Minh nói.
Từ đó, ông Minh cho rằng vẫn đảm bảo được nguồn chi trả chế độ, chính sách này. Tuy nhiên, sẽ có người nhận mức cao hoặc mức thấp. Theo quy định, sẽ căn cứ vào mức lương thực tế đang hưởng, số tháng tính tới thời gian nghỉ, thời điểm nghỉ trong 12 tháng hay sau 12 tháng. Theo thông tư hướng dẫn, chỉ cần nhập số liệu theo công thức tính sẽ ra số tiền cần phải chi trả cho mỗi người.
Ông Minh thông tin, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, đến thời điểm hiện tại, các tài liệu, hồ sơ trình Quốc hội đã hoàn thiện và đầy đủ, chờ Quốc hội thông qua để triển khai thực hiện.
>>Thanh tra chuyên ngành sẽ hoạt động như thế nào khi hợp nhất bộ, bỏ tổng cục?
Tinh gọn bộ máy và hiệu lực lãnh đạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 
Bộ trưởng Nội vụ kể về những cuộc họp cân não tinh gọn bộ máy