Vĩ mô

Kinh tế 2025: ‘Nhiều biến động bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được’

Khúc Văn 19/02/2025 18:16

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ VCBF cho rằng rủi ro chính sách cao trong những tháng đầu năm Trump nhận chức có thể trì hoãn dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ đó tác động tiêu cực ngắn hạn lên dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong ngắn hạn việc thay đổi tỷ giá còn tác động từ yếu tố tâm lý

Về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP.

Điều này đồng nghĩa, khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam phải đặt trong bối cảnh gắn kết với các nền kinh tế khác trên thế giới. Với câu chuyện năm 2025, theo ông Linh có rất nhiều biến động từ môi trường bên ngoài và chúng ta không kiểm soát được.

Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào những yếu tố có thể chủ động được. Đó là nội lực từ bên trong.

Kinh tế 2025: ‘Nhiều biến động bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được’
Trong ngắn hạn việc thay đổi tỷ giá còn tác động từ yếu tố tâm lý.

Với vấn đề tỷ giá, ông Linh cho rằng trong ngắn hạn việc thay đổi tỷ giá còn tác động từ yếu tố tâm lý. Trong hơn một năm trở lại đây, DXY tác động đến tỷ giá USD/VND rất nhiều nhưng trên thực tế biến động DXY không tác động quá lớn đến cung cầu ngoại tệ của Việt Nam.

Trong năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng, FDI tích cực, kiều hối vẫn rất tốt, vậy nên việc NHNN phải bán khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối để can thiệp chủ yếu do đầu cơ. Lãi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ hiện vẫn chênh lệch khá cao với Việt Nam nên các doanh nghiệp FDI có động cơ để găm giữ ngoại tệ và đầu cơ vào các thị trường vốn ngắn hạn tại Mỹ.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, thị trường vàng biến động rất mạnh cũng dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhập lậu vàng. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết.

Các yếu tố tác động đến hoạt động đầu cơ tỷ giá đang giảm, trong khi nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng vẫn tăng trưởng tuy không cao. Vì vậy, cung cầu ngoại tệ năm 2025 có vẻ như đã ổn định hơn rất nhiều. Do đó, những biến động về tỷ giá hiện nay hầu hết mang tính chất ngắn hạn, ông Linh nhận định.

Theo quan điểm của ông Linh, ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng, vì vậy, nếu bán dự trữ ngoại hối và rút VND ra khỏi hệ thống thì càng làm cho thanh khoản tiền đồng bị áp lực và gây áp lực nên tỷ giá. Đây là điều mà NHNN hoàn toàn không mong muốn.

>>Kinh nghiệm từ các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025, kế hoạch đầu tư công năm nay sẽ được tăng lên 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, ngành sản xuất vẫn phải tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, ngành xây dựng những năm gần đây đều tăng trưởng dưới kỳ vọng và sẽ là một yếu tố có thể bứt phá trong năm nay.

Kinh tế 2025: ‘Nhiều biến động bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được’
Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công.

Tuy nhiên, ông Linh cũng chỉ ra ba thách thức của năm 2025, gồm: Nền kinh tế tại các nước phát triển suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai là nếu Tổng thống Trump áp thuế quan đối ứng lên hàng hoá Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và có thể làm thu hẹp thặng dư thương mại của nước ta.

Và thứ ba là rủi ro chính sách cao trong những tháng đầu năm Trump nhận chức có thể trì hoãn dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ đo tác động tiêu cực ngắn hạn lên dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Khi các yếu tố từ bên ngoài biến động thì cần tập trung thúc đẩy nguồn lực trong nước. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo động lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025, ông Linh nhận định.

Để làm được điều này, Chính phủ cần tạo động lực cải cách thể chế, từ đó giúp khơi thông các nút thắt pháp lý và cải thiện hiệu quả đầu tư công. Bên cạnh đó, tinh gọn bộ máy sẽ cung cấp thêm dư địa về nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công. Việc tiết kiệm được chi phí cho chi thường xuyên sẽ giúp có thêm nguồn vốn cho đầu tư công.

Khi đầu tư công thực hiện được đúng vai trò và phát huy được hiệu quả thì sẽ giúp cho các ngành khác phát triển theo. Việc cải cách thể chế cũng giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý từ đó hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, thực tế đầu tư tư nhân mới chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong những năm gần đây, đầu tư tư nhân tăng trưởng rất chậm, năm 2023 là gần 3% năm 2024 là khoảng 8 - 9%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 15% của các năm trước dịch.

Trong đầu tư của khu vực tư nhân có tới 40% là đầu tư về lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, nếu khơi thông được vấn đề về pháp lý, các dự án mở mới, nhu cầu về xây dựng bất động sản tăng trở lại thì đầu tư tư nhân sẽ tăng trưởng, có thể tiệm cận mức trước dịch.

Bên cạnh đó, chuỗi giá trị kéo theo của ngành bất động sản gồm xây dựng và vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi theo. Trong giai đoạn trước năm 2016, thị trường bất động sản cũng từng bị khủng hoảng nhưng nhờ kiểm soát được lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất hỗ trợ nên các doanh nghiệp xây dựng phục hồi lợi nhuận rất tốt trong giai đoạn 2016 - 2018.

Cuối cùng với nhu cầu vốn đầu tư lớn, ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển xã hội.

Siêu cường lung lay: Cú sốc từ Nga và Trung Quốc 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, khủng hoảng 5 năm chưa có lối thoát

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, mua quần áo mới cũng phải ‘nâng lên đặt xuống’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-2025-nhieu-bien-dong-ben-ngoai-ma-chung-ta-khong-the-kiem-soat-duoc-277335.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kinh tế 2025: ‘Nhiều biến động bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được’
    POWERED BY ONECMS & INTECH