Giữa bức tranh triển vọng nhiều màu xám của châu Âu, nền kinh tế dữ liệu tại châu lục “già cỗi” trở thành “điểm sáng”, một hình mẫu mà các quốc gia khác có thể noi theo.
Kinh tế châu Âu ngày càng tụt lại so với Mỹ. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính  năm 2008, tăng trưởng khu vực Eurozone đã chậm hơn nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, và khoảng cách này càng bị nới rộng bởi những sự kiện mang tính toàn cầu như Covid-19, rồi sau đó là xung đột Nga - Ukraine, và mới nhất là đụng độ tại khu vực Trung Đông tác động tiêu cực đến giá năng lượng.
>> 5 xu hướng di động cho năm Giáp Thìn: AI tích hợp, smartphone kiểu mới 
Ngay từ đầu năm 2023, châu Âu tiếp tục đối mặt với những phép thử khó khăn nhất, hệ luỵ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài chưa hồi kết, tỷ lệ lạm phát giảm nhưng không như mong đợi, thương mại quốc tế  nối lại, nhưng chuỗi cung ứng xáo trộn, tiếp tục đặt Eurozone trước áp lực kinh tế suy thoái, kéo theo nguy cơ bất ổn về chính trị - xã hội gia tăng. Theo dự báo cập nhật của IMF, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm 2023 và 1,2% trong năm 2024, giảm tương ứng 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước của định chế này.
Song, giữa bức tranh triển vọng nhiều màu xám, nền kinh tế dữ liệu tại châu lục “già cỗi” đã thể hiện được vai trò là “điểm sáng”, hình mẫu để các quốc gia khác noi theo.
Động lực tích cực của thị trường dữ liệu và các công ty dữ liệu tại EU được phản ánh qua sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục của nền kinh tế dữ liệu, thể hiện giá trị của những tác động trực tiếp và gián tiếp của thị trường dữ liệu đối với nền kinh tế tổng thể. Nền kinh tế dữ liệu châu Âu đạt 496 tỷ euro vào năm 2022, tăng 8,9% so với năm trước, một thành tích đáng chú ý khi xét đến bối cảnh kinh tế vĩ mô tiêu cực. Tỷ trọng kinh tế  dữ liệu trong GDP của EU đạt 3,9% so với 3,7% của năm trước.
"Trí tuệ" dữ liệu số
Buộc phải đối phó với nhiều căng thẳng kinh tế và địa chính trị, các doanh nghiệp châu Âu đang tập trung chiến lược vào chuyển đổi kỹ thuật số, theo đuổi các mục tiêu về khả năng phục hồi cũng như tăng trưởng doanh thu.
Giai đoạn hậu đại dịch đã chứng kiến các tổ chức tại đây nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các mô hình kinh doanh kỹ thuật số như một yếu tố quan trọng, cùng với nhận thức rõ ràng về vai trò liên quan của “trí tuệ dữ liệu” - không chỉ việc sử dụng tài sản dữ liệu mà còn cả khả năng để quản lý hiệu quả và dữ liệu bên trong và bên ngoài cho các mục tiêu chiến lược.
“Ngày nay, nhiều công ty có lượng dữ liệu khổng lồ nhưng chỉ một số ít có thể tận dụng hết tiềm năng này”, Mario Grotz, tổng giám đốc bộ phận Nghiên cứu Công nghiệp, Công nghệ mới trực thuộc Bộ Kinh tế Luxembourg cho biết. Quốc đảo nhỏ tại châu Âu này coi những cuộc khủng hoảng là cơ hội  để đổi mới và củng cố cam kết trở thành nền kinh tế dữ liệu bền vững hàng đầu.
Trong năm 2022, nền kinh tế dữ liệu của 27 nước thành viên EU (EU27) ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, giá trị đạt gần 500 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm trước, chiếm 3,9% thị phần GDP, tăng từ 3,7% vào năm 2021.
Cũng trong năm ngoái, giá trị của thị trường dữ liệu EU27 - nơi dữ liệu kỹ thuật số được trao đổi dưới dạng “sản phẩm” hoặc dịch vụ” đạt 72,9 tỷ euro với tốc độ tăng trưởng 12,6%, gấp đôi so với năm 2021, đạt 73 tỷ euro. Các giao dịch dữ liệu tạo ra lợi nhuận, chẳng hạn như mua bán tài sản dữ liệu giữa các tổ chức, chiếm 26% giá trị thị trường dữ liệu chung trong năm 2022, tương ứng với 19 tỷ euro cho EU27 và dự kiến đạt thị phần 30% vào năm 2030.
Thị trường dữ liệu chung
Dữ liệu là trung tâm của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Do đó, dữ liệu là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế dài hạn ở châu Âu. Thị trường dữ liệu duy nhất do EU thiết kế sẽ cho phép các công ty (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trên toàn EU thu được lợi ích từ dữ liệu mà họ khó hoặc không thể truy cập.
“Dữ liệu châu Âu sẽ được các công ty châu Âu sử dụng để tạo ra giá trị ở châu Âu”, Uỷ viên thị trường nội khối Thierry Breton khái quát lại khái niệm thị trường dữ liệu chung tại một cuộc họp ở Berlin hồi năm 2020.
Cùng năm, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thảo luận về việc tạo ra “không gian dữ liệu châu Âu”. “Đây là mục tiêu của chúng tôi để định hình tương lai kỹ thuật số”, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho biết tại thời điểm đó. Khi chuyển đổi kỹ thuật số trở thành xu hướng chủ đạo, số lượng công ty dữ liệu châu Âu cũng tăng lên đồng bộ với thị trường dữ liệu. Số lượng nhà cung cấp dữ liệu châu Âu (các tổ chức có hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ liên quan đến dữ liệu số) đã tăng lên 216.000 vào năm 2022, cao hơn 13,3% so với năm trước, chiếm 2% tổng số tổng số công ty trong lĩnh vực CNTT-TT và dịch vụ chuyên nghiệp so với 1,8% của năm 2021. Doanh thu của nhà cung cấp dữ liệu đã tăng lên 84 tỷ euro vào năm 2022, từ mức 75 tỷ euro vào năm 2021.
Đức vẫn là thị trường dữ liệu hàng đầu với thị phần 29%, tiếp theo là Pháp với 17%. Năm quốc gia thành viên (Đức, Pháp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha) chiếm hơn 68% thị trường dữ liệu trong số EU27, cho thấy việc kinh doanh dữ liệu có mối tương quan tích cực với các nền kinh tế tiên tiến và khác biệt với mức tăng trưởng tốt.
Phó Chủ tịch EC Vestager khẳng định trong nền kinh tế kỹ thuật số mở, quan hệ đối tác giúp EU đẩy nhanh sự phát triển của những công nghệ mới, để chúng có thể trở thành giải pháp toàn cầu. Quan hệ đối tác cũng tạo ra không gian mở, nơi EU có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn kỹ thuật số của châu Âu cũng như những lợi ích toàn khối.
Maximilian Karl Emil Weber, một trong những nhà lý thuyết quan trọng nhất về sự phát triển của xã hội phương Tây hiện đại đầu thế kỷ XX, từng chỉ ra nhiều hiện tượng xã hội, chẳng hạn như khoa học, báo chí, hoà âm trong âm nhạc, kiến trúc, mô hình đại học,… có tiền đề xuất hiện tại những vùng đất khác, song chỉ tại khu vực châu Âu mới trở thành mô hình mang tính phổ quát cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thế giới. Kinh tế dữ liệu cũng có thể là một hiện tượng như vậy.
>> Bệnh nhân ung thư gan sẽ được điều trị bằng công nghệ do người Việt làm chủ