Kỳ lạ doanh nghiệp vốn điều lệ 5 tỷ đồng vừa báo lãi gần nghìn tỷ nửa đầu năm
Doanh nghiệp này mới được nhắc đến ở phương diện khác: vốn điều lệ 5 tỷ đồng được thu xếp phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp vốn điều lệ 5 tỷ đồng vừa báo lãi 958 tỷ đồng
CTCP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính cho kỳ báo cáo từ 1/1 đến 30/6/2023. Số liệu công bố cho thấy Hồng Hoàng đang có khoản lãi đột biến trong nửa đầu năm 2023 với số lãi 958 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2022 công ty lãi sau thuế 402 tỷ đồng, trong khi số liệu công bố trước đó cho biết cả năm 2022 Hồng Hoàng lãi sau thuế gần 287 tỷ đồng, tương ứng nửa cuối năm 2022 Hồng Hoàng lỗ 115 tỷ đồng.
Chỉ tiêu | Năm 2021 | Năm 2022 | 6T/2022 | 6T/2023 |
Vốn chủ sở hữu | -319 tỷ đồng | -95 tỷ đồng | 20,4 tỷ đồng | 863 tỷ đồng |
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu | -5,5 lần | -12,3 lần | 70,2 (1.432 tỷ đồng) | 1,6 9 (1.380 tỷ đồng) |
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu | -4,4 lần | -12,3 lần | 68,7 (1.400 tỷ đồng) | 1,3 (1.122 tỷ đồng) |
Lợi nhuận sau thuế | -177 tỷ đồng | 287 tỷ đồng | 402 tỷ đồng | 958 tỷ đồng |
Con số lãi/lỗ lớn của Hồng Hoàng càng khiến nhà đầu tư một lần nữa chú ý đến doanh ngghiệp này. Hồng Hoàng được giới đầu tư nhắc tới rất nhiều vào năm 2019 khi tháng 10/2019 huy động thành công hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu.
Lô trái phiếu này cũng rất kỳ lạ khi có lãi suất “khủng” 20%, do Chứng khoán ACB thu xếp phát hành. Kỳ lạ hơn nữa là việc một doanh nghiệp vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỷ đồng được thu xếp phát hành thành công lô trái phiếu đến 1.400 tỷ đồng, gấp 280 lần vốn điều lệ.
Tháng 7/2022 vừa qua công ty đã mua lại trước hạn gần 319 tỷ đồng, hiện còn lưu hành xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Mọi giao dịch thế chấp đều đổ về Saigon Asia Limited
Thông tin về lô trái phiếu này của Hồng Hoàng không nhiều. Tìm hiểu thêm, thì tháng 10/2019 khi Hồng Hoàng phát hành trái phiếu, có mở một tài khoản đảm bảo số 58668 tại Ngân hàng TMCP Á Châu để làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Saigon Asia Limited.
Hồng Hoàng thành lập năm 2016, do bà Phạm Thị Khánh Hồng làm Tổng giám đốc. Công ty sau này đã nhiều lần thay đổi vị trí lãnh đạo, tuy vậy bà Khánh Hồng vẫn ở trong danh sách người quản lý công ty.
Bà Khánh Hồng, ngoài Hồng Hoàng, còn là tổng giám đốc của công ty đầu tư Nghi Lan – doanh nghiệp thành lập tháng 8/2019.
Tháng 10/2019 khi Hồng Hoàng phát hành trái phiếu, mở tài khoản tại ACB và thế chấp tại Saigon Asia Credit Limited thì Công ty Nghi Lan cũng đồng thời đưa 99,99% vốn cổ phần của Hồng Hoàng đi thế chấp tại Saigon Asia Credit Limited và bà Khánh hồng lại mang cổ phần của Nghi Lan đi thế chấp tại đây.
Mọi giao dịch thế chấp của Hồng Hoàng và những công ty liên quan vị nữ doanh nhân Phạm Thị Khánh Hồng, cùng việc mở tài khoản tại ACB, trái phiếu do chứng khoán ACB thu xếp phát hành khiến những lời đồn trên thị trường lúc đó có xu hướng đáng tin cậy.
Xung quanh những lời đồn đoán
Thời điểm Hồng Hoàng phát hành thành công hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu nêu trên, cũng là lúc ACB bán ra 32,2 triệu cổ phiếu quỹ. Ngày 30/10, có 4 lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB với tổng 60,77 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.446 tỷ đồng được trao tay. Giá trị số tiền này tương đương với số tiền Hồng Hoàng huy động trái phiếu.
Bên cạnh đó với việc Chứng khoán ACB là bên thu xếp phát hành cho lô trái phiếu của Hồng Hoàng, cộng với lãi suất bất thường 20%, lại càng khiến thị trường lúc đó dấy nên những đồn đoán về việc Hồng Hoàng là bên mua số cổ phiếu trên. Tuy vậy đồn đoán vẫn chỉ là đồn đoán lúc đó.
Những thông tin công bố sau đó của ACB cũng không có sự liên quan tới Hồng Hoàng.
Tuy nhiên, nếu đồn đoán là đúng, tức là 60,77 triệu cổ phiếu quỹ của ACB về tay Hồng Hoàng là đúng, thì số cổ phiếu ACB này được trao tay thời điểm cuối tháng 10/2019 ở mức giá bình quân 23.800 đồng/cổ phiếu. Và số lãi ghi nhận nghìn tỷ liệu có phải do Hồng Hoàng đã bán số cổ phiếu ACB đang nắm giữ?
Xét về diễn biến giá, cổ phiếu ACB không có nhiều biến động so với thời điểm năm 2019, thậm chí thị giá hiện tại 22.000 đồng/cổ phiếu còn thấp hơn giá “trao tay” thời điểm 4 năm trước (23.800 đồng/cổ phiếu). Tuy vậy từ đó đến nay ACB đã “kịp” tăng vốn thêm 130%, tương ứng nếu vẫn nắm toàn bộ số cổ phiếu trên không bán ra, thì lượng cổ phiếu ACB mà Hồng Hoàng nắm giữ đã tăng đáng kể, lên khoảng gần 140 triệu cổ phiếu.
Đặt phép toán Hồng Hoàng bán hết số cổ phiếu này với thị giá 22.000, tổng giá trị thu về khoảng 3.074 tỷ đồng, trừ đi “vốn” 1.4467 tỷ đồng, thì sinh lãi khoảng 1.600 tỷ đồng, khá phù hợp với việc Hồng Hoàng ghi lãi đột biến vào kết quả kinh doanh.
Đồn đoán, giả thiết vẫn là những suy đoán. Câu chuyện bí ấn về một doanh nghiệp vốn điều lệ 5 tỷ đồng, huy động trái phiếu 1.400 tỷ đồng và giờ là câu chuyện lãi gần nghìn tỷ vẫn khiến nhà đầu tư quan tâm đi tìm kết quả.
Vốn điều lệ 5 tỷ đồng, huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 20%, Hồng Hoàng đang ra sao?
Nghị định mới và sức ép đáo hạn: Hướng đi nào cho thị trường trái phiếu? 
Cả nước có 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm