Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng trên 300% trong 5 năm qua.
Ngày 22/4/2024, Hội nghị Thương mại Điện tử Xuyên Biên Giới năm 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling đồng tổ chức.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh rằng TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số. Với doanh số bán lẻ TMĐT tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã lọt vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực và thế giới.
Hội nghị Thương mại Điện tử Xuyên Biên Giới năm 2024 |
>> Amazon rót 1,3 tỷ USD vào Pháp, tạo ra hơn 3000 cơ hội việc làm 
Thị trường TMĐT toàn cầu dự kiến đạt doanh thu 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, TMĐT xuyên biên giới được xem là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” của Amazon Global Selling, được bảo trợ bởi Cục TMĐT và Kinh tế số, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt giai đoạn 2022-2026.
Đại diện Amazon Global Selling, ông Gijae Seong, chia sẻ rằng sau 5 năm đặt nền móng và thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, Amazon đã quan sát và nhận thấy rõ năng lực sản xuất, quá trình chuyển đổi số, cũng như tinh thần khởi nghiệp năng động của các doanh nghiệp Việt.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng trên 300% trong 5 năm qua. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon tăng gấp 35 lần. Amazon Global Selling đã công bố 5 xu hướng phát triển quan trọng, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp Việt.
Phiên thảo luận tại Hội nghị |
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định ngành dệt may đang có nhiều dấu hiệu tích cực, với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Tuy nhiên, tuy dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn nhưng cũng như nhiều ngành hàng khác, chúng ta vẫn đang xuất khẩu chủ yếu các thương hiệu của nước ngoài, các nhãn hiệu của Việt Nam còn rất hiếm. Ông Cẩm cho rằng, đó là điểm yếu của ngành dệt may và cho biết trong tương lai, bên cạnh những mục tiêu về xuất khẩu thì có mục tiêu xây dựng thương hiệu và từng bước tiêu thụ sản xuất dệt may trong nước và xuất khẩu chính thương hiệu Việt. Để thương hiệu Việt ra thế giới cần các doanh nghiệp năng động và tích cực đổi mới hơn nữa. Đồng thời, việc ứng dụng TMĐT, đặc biệt là qua các nền tảng như Amazon, sẽ giúp ngành dệt may tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với người tiêu dùng toàn cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về việc cập nhật xu hướng TMĐT toàn cầu, phân tích lợi thế và thách thức trong quá trình tham gia TMĐT xuyên biên giới. Các giải pháp như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tối ưu chi phí, ứng dụng công nghệ số, và cải thiện logistics, thanh toán quốc tế đã được đề xuất nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị TMĐT Xuyên Biên Giới năm 2024 đã mở ra nhiều cơ hội và định hướng mới, giúp doanh nghiệp Việt tự tin cất cánh ra thị trường toàn cầu, khẳng định tinh hoa hàng Việt trên bản đồ kinh tế số thế giới.
>> Đông Nam Á - "ngôi sao" đang lên thu hút các ông lớn công nghệ