Kỷ nguyên Vươn mình: Quốc gia phải giàu có, thịnh vượng
Việt Nam đang hội tụ các điều kiện cần và đủ để vươn mình sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Giàu có và thịnh vượng rõ ràng là nét đặc trưng của Kỷ nguyên Việt Nam Vươn mình.
LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực. Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”. Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng. Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam... Xem bài 1: Khơi dậy hào khí dân tộc, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới |
Việt Nam giải quyết ổn thoả hai Kỷ nguyên Độc lập và Đổi mới
Trong phát biểu tại Đại học Columbia Mỹ ngày 23/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: “Sau gần 80 năm Độc lập và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Chỉ một dòng tổng kết ngắn gọn đó thôi, người Mỹ và thế giới sẽ biết và nhớ tới Việt Nam với ba kỷ nguyên xuyên suốt dòng chảy lịch sử nhất quán của mình trong đấu tranh và phát triển.
Tuy không nói ra, nhưng ai cũng biết, kỷ nguyên thứ ba này sẽ kết thúc khi nước Việt Nam Độc lập và dân giàu nước mạnh tròn 100 tuổi, nghĩa là trong khoảng 20 năm tới. Ba kỷ nguyên trên luôn hội tụ được những điều kiện cần và đủ để thực hiện những nhiệm vụ trong từng kỷ nguyên và trong tổng thể lịch sử tồn tại và phát triển của mình.
Việt Nam đã nói được và làm được về độc lập dân tộc trong Kỷ nguyên Độc lập, nói được và làm được về dân giàu nước mạnh trong Kỷ nguyên Đổi mới, thì Việt Nam cũng sẽ nói được và làm được về sánh vai với các cường quốc trong Kỷ nguyên Vươn mình.
Về việc này, Đảng đã có định hướng, chủ trương, đường lối ngày càng đầy đủ trong những năm qua. Nhà nước cũng đã bắt tay vào xây dựng các qui hoạch, kế hoạch, cơ chế tổng thể cho sự phát triển khi Việt Nam tròn 100 tuổi. Sắp tới, Đại hội XIV của Đảng sẽ quyết định những vấn đề then chốt trong 5 năm đầu của kỷ nguyên 20 năm Việt Nam vươn mình.
Nếu nét đặc trưng của Kỷ nguyên Độc lập là “vào nhà gặp anh hùng, ra ngõ gặp kiện tướng” thì nét đặc trưng của Kỷ nguyên Đổi mới là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Anh hùng và kiện tướng là những người đi đầu đầy quả cảm và dũng khí, nếu thiếu họ thì làm sao đánh và thắng được giặc để có độc lập. Còn trong Kỷ nguyên Đổi mới, nếu những người yếu thế bị bỏ lại phía sau thì độc lập hỏi còn có ý nghĩa gì khi hạnh phúc không tới được những người dân bị kiệt quệ sau chiến tranh.
Việt Nam đã giải quyết ổn thỏa những đòi hỏi từ những đặc trưng của hai kỷ nguyên trên, đã gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng và phát triển đất nước. Từ những thực tiễn không thể bác bỏ được của Việt Nam trong hai kỷ nguyên đã qua, thì đâu là nét đặc trưng của kỷ nguyên thứ ba đang tới? Đây là một vấn đề trọng đại, xin được đóng góp một hạt cát trong đại dương nhận thức về đặc trưng này.
Kỷ nguyên Vươn mình: Làm giàu cho dân tộc
Kỷ nguyên thứ ba là Kỷ nguyên Vươn mình của Việt Nam đã được Tổng Bí thư công bố tại diễn đàn một trường đại học nổi tiếng của Mỹ vừa qua, nơi đã đào tạo cho nước Mỹ có được những Tổng thống và nhân tài nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực. Rồi đây, kỷ nguyên này sẽ được nhắc tới, bàn luận, thống kê, đánh giá vừa như một luận đề khoa học, vừa như một chủ điểm chính trị - kinh tế - xã hội về Việt Nam, về thế giới trong những thách thức khó lường.
Với Việt Nam, việc sánh vai với các cường quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vừa ngẫu nhiên, vừa hữu ý, những phạm trù Cộng sản, Dân chủ, Cộng hòa lại cùng xuất hiện trên Quốc hiệu Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ đều là những đảng cầm quyền của hai quốc gia, trong đó chiến tranh đã trải, hòa bình đã qua, hợp tác và phát triển đã bắt đầu, chiều cao của quan hệ lưỡng quốc đã được nâng tới bậc “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Kỷ nguyên Vươn mình của Việt Nam về nghĩa đen không hàm ý là sự vươn mình của người vừa ngủ dậy. Trái lại, đó là sự vươn mình của người đang tỉnh táo, sung sức, đầy nghị lực trong cuộc đua để được đứng trong đội ngũ các cường quốc trên thế giới. Hiện tại, đội ngũ này đang có tổ chức các nước G7, G10, G20, tức 20 trong tổng số trên 200 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc.
Nếu muốn có mặt trong đội ngũ đó, Việt Nam nhất thiết phải là quốc gia thứ 21 có thể thay thế một trong số 20 quốc gia đang có mặt trong các tốp trên. Đây là một cuộc đua đường dài tới 20 năm, tức 4 nhiệm kỳ 5 năm của các tổ chức Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam. Bất cứ một khâu nào trong hệ thống này bị suy yếu thì giấc mơ của Việt Nam đứng vào đội ngũ các cường quốc sẽ vẫn chỉ là giấc mơ.
Việt Nam đã và đang có một hệ thống chính trị dạn dày thử thách để về đích trong cuộc đua đường dài. Bên cạnh việc có sẵn này lại là một việc hoàn toàn mới, đó là xác định cho được, đúng và trúng về nét đặc trưng của Kỷ nguyên Việt Nam Vươn mình là gì.
Sẽ là vô nghĩa nếu áp đặt nét đặc trưng của Kỷ nguyên Độc lập hoặc Kỷ nguyên Đổi mới vào Kỷ nguyên Vươn mình. Với Đổi mới, thành tựu tuyệt vời là xóa được đói, giảm được nghèo xuống mức tối thiểu trên thế giới, đưa Việt Nam vào đội ngũ các quốc gia có khả năng cao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia khác đã và đang khó thoát ra.
Trong Kỷ nguyên Đổi mới, Việt Nam đã thực hiện thành công việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự thành công này cùng với những thành tựu đạt được, Kỷ nguyên Đổi mới đã chuẩn bị và trao cho Kỷ nguyên Vươn mình những hành trang tối cần thiết ban đầu, đó là một Việt Nam “Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như khẳng định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với những vốn quí chưa bao giờ có được trên đây trong Kỷ nguyên Đổi mới, Việt Nam trong Kỷ nguyên Vươn mình sẽ không thể chỉ trông chờ vào nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà phải sâu rộng hơn, và suy cho tới cùng, đó là làm giàu theo định hướng XHCN. Cộng sản ở tầm cao nhất là làm cho dân giàu, từ đó nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Dân giàu là ước mơ từ ngàn đời nhưng chưa bao giờ đạt được. Bây giờ là lúc Việt Nam đang hội tụ được đồng thời các điều kiện cần và đủ để vươn mình sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Làm giàu rõ ràng là nét đặc trưng của Kỷ nguyên Việt Nam Vươn mình trong 20 năm tới.
Làm giàu của một người, một gia đình, một địa phương tuy đã đạt được trong Kỷ nguyên Đổi mới, nhưng làm giàu cho cả quốc gia, dân tộc thì phải trông cậy vào Kỷ nguyên Vươn mình.
Nếu không “Vươn mình” thì hàng triệu hộ kinh tế gia đình, hàng triệu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ tuyệt đại đa số chỉ là những đơn vị kinh tế nhỏ và vừa, số đơn vị ở tầm khu vực và thế giới không có thêm được bao nhiêu trong thống kê hàng năm. Đây là một điểm dừng không cưỡng nổi của Kỷ nguyên Đổi mới. Đất nước phải vẫy tay chào kỷ nguyên cũ, tiến vào kỷ nguyên mới để làm giàu cho cả quốc gia dân tộc bằng những tiến bộ thần kỳ của nhân loại.
Trước mắt, sân bay Long Thành sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng, xóa bỏ thực trạng quá tải hàng thập kỷ của cả hệ thống cảng hàng không Việt Nam. Đồng thời, một cảng biển ở tầm quốc tế đang được khẩn trương xây dựng tại bờ biển khu vực Đông Nam Bộ để tận dụng thế mạnh của Việt Nam về kinh tế biển. Tiếp ngay sau đó, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng hệ thống Đường sắt cao tốc Bắc Nam tiên tiến vào bậc nhất thế giới, để thay thế hệ thống đường sắt có sẵn từ thời Pháp thuộc.
Chỉ chừng đó, các nhân tố mới về hạ tầng giao thông đã có thể làm cho GDP Việt Nam trong Kỷ nguyên Vươn mình tăng thêm được nhiều điểm phần trăm. Tuy nhiên, vẫn chưa thấm vào đâu so với những nhân tố làm giàu được tạo ra bởi cuộc Cách mạng 4.0 mà ở đó, các công nghệ bán dẫn cho phép con người thực hiện các quyết định làm giàu siêu tốc, trong đó mỗi giây thời gian có thể thực hiện được hàng triệu phép tính.
Cuộc Cách mạng 4.0 đã ra đời khi Việt Nam đang ở nửa cuối của Kỷ nguyên Đổi mới để chuẩn bị cho cuộc cách mạng mới trên nền tảng của một quốc gia có thế mạnh về các nguồn nguyên liệu bán dẫn, nguồn điện lực, nguồn nước, và nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tất cả đã hội tụ và đồng loạt phát huy hiệu năng tổng hòa để phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ bán dẫn, mà đỉnh cao là các loại Chip thế hệ mới từ 3mm trở lên. Kỷ nguyên Vươn mình đã có trong tay chiếc chìa khóa vàng để làm giàu cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Nói đi vẫn cần phải nói lại. Dù có trong tay chìa khóa vàng, nhưng con người, mà thực chất là toàn Dân mới là yếu tố quyết định nhất. Hiện nay, trong toàn Dân đang có người giàu, người nghèo và ở giữa là người trung bình. Việt Nam chưa có thống kê chính thức về ba cấp độ này. Nhưng bằng ước lượng ai cũng thấy, số người ở cấp độ nghèo và cấp độ giàu chiếm tỷ trọng thấp, chiếm tỷ trọng cao là số người ở cấp độ trung bình.
Tiến vào Kỷ nguyên Vươn mình cũng là thời điểm Việt Nam có lẽ phải chuyển từ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thành “Không để ai không được tiếp sức tiến lên phía trước”. Sự ưu tiên này chủ yếu dành cho những người đang ở cấp độ trung bình, đã thoát nghèo, đang nung nấu khát vọng làm giàu. Nếu được tiếp sức, những người này sẽ sớm trở thành những người giàu.
Khi đa số người dân đã giàu thì Kỷ nguyên Vươn mình có thể kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu bốn biển.
Cuối cùng, Việt Nam không làm giàu bằng bất cứ phẩm chất nào ngoài làm giàu theo định hướng XHCN. Đó là sự làm giàu của một tổng thể dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ - công bằng - văn minh. Trong tổng thể này, không có chỗ dành cho áp bức, bóc lột, tham ô, tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Việt Nam đã sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình 
Thủ tướng kỳ vọng Bắc Ninh 'khai phá tiềm năng, kiến tạo thịnh vượng'