Kỳ vọng gói hỗ trợ thuế, phí kịp “thẩm thấu” đến doanh nghiệp

11-07-2023 22:01|Nguyễn Việt

Kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2023, các gói hỗ trợ thuế và phí sẽ kịp “thẩm thấu” đến doanh nghiệp.

GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với DĐDN về gói hỗ trợ thuế và phí bên hành lang tại cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, ngày 11/7.

GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

-Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ thuế và phí cho doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua?

Các chính sách hỗ trợ thuế và phí cho doanh nghiệp là một chính sách rất kịp thời, đặc biệt liên quan đến chính sách tài khoá để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài khoá bao giờ cũng có độ trễ lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Do đó, tôi kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2023 chính sách này sẽ kịp “thẩm thấu” đến doanh nghiệp.

Bên cạnh chính sách giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, trong một mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên đầu tư, trong khi khu vực đầu tư tư nhân đang bị thu hẹp vì gặp nhiều khó khăn.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2023 đầu tư công phải là điểm nhấn để nâng cao chất lượng, quy mô đầu tư công và làm “bệ đỡ” cho quá trình đầu tư chung của nền kinh tế, vì mô hình tăng trưởng của chúng ta hiện nay vẫn dựa vào đầu tư.

-Ông nhận định như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành?

Trong 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, rõ nét nhất là mức lãi suất đã có xu hướng giảm, mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm đã giảm so với trước đây. Nhìn về tổng cầu, mặc dù lãi suất giảm nhưng sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Điều này phản ánh mức độ hấp thụ của các doanh nghiệp còn yếu, cho nên việc giảm lãi suất cũng không phải là yếu tố then chốt để hỗ trợ tổng cầu, vì doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khăn cả về đầu vào và đầu ra. Như vậy, trong thời gian tới bên cạnh chính sách tiền tệ thì vẫn cần phải tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khoá.

-Như ông có phân tích, cuối tháng 6/2023 tín dụng mới chỉ tăng 4,73%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng gấp 2 lần (hơn 8%). Vậy, ngoài chính sách tiền tệ, ông có thể phân tích cụ thể hơn về vai trò của chính sách tài khoá để thúc đẩy sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm?

Chính sách tài khoá liên quan đến thu-chi, vì vậy liên quan đến chính sách tài khoá có thể hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra cho doanh nghiệp. Với đầu vào, chính sách tài khoá có thể giảm thuế, phí, lãi suất cũng như tạo điều kiện cho các chi phí đầu vào như điện, năng lượng… đây là những chi phí là Chính phủ có thể kiểm soát và hỗ trợ doanh nghiệp. Về đầu ra, đầu tư công cũng có thể lan toả được đến các khu vực khác, bao gồm cả khu vực tư nhân.

-Tuy nhiên, nếu dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ thì sẽ xảy ra những rủi ro gì, thưa ông?

Rủi ro lớn nhất nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ trong bối cảnh tổng cầu đang suy giảm thì có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ, tức là làm cho chất lượng tài sản của hệ thống tài chính tiền tệ có thể kém đi, đồng thời có thể lan truyền đến khu vực thực, như  gây ra rủi ro về lạm phát.

Đây là hệ quả nếu chúng ta chỉ tập trung chủ yếu vào chính sách tiền tệ trong tình huống tổng cầu gặp khó khăn, tức là doanh nghiệp không hấp thụ được.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Cước vận chuyển từ châu Á tăng vọt 50%, doanh nghiệp Mỹ 'khóc thét'

Ông chủ đứng sau loạt dự án công viên nghĩa trang triệu đô tại Hải Phòng bị 'nhắc tên' vì nợ thuế

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/ky-vong-goi-ho-tro-thue-phi-kip-tham-thau-den-doanh-nghiep-247283.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kỳ vọng gói hỗ trợ thuế, phí kịp “thẩm thấu” đến doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH