Vĩ mô

Làm gì để có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên?

Lương Bằng 05/11/2024 - 07:44

Cần ít nhất 3 năm để xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi và bắt đầu đưa vào vận hành, đồng nghĩa với việc phải bắt đầu xây dựng vào năm 2027”, chuyên gia chia sẻ.

Cần nhiều ưu đãi và cơ chế

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có dự án nào được quyết định chủ trương hoặc giao đầu tư. Không ít nhà đầu tư cũng đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu điện gió ngoài khơi từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ". Một số nhà đầu tư "nản lòng" đã rời đi.

Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 vừa qua, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), lưu ý rằng ngoài việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII và các bước đầu tiên trong việc thiết lập thị trường điện gió ngoài khơi, hầu như chưa có gì thay đổi.

“Các doanh nghiệp Châu Âu gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Nói đúng hơn là mọi chuyện chỉ mới dừng ở khâu lên kế hoạch trên giấy, chứ chưa được tiến hành trên thực tế”, ông Jaspaert cho biết.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang đứng trước mục tiêu vô cùng tham vọng và thực sự cần phải hành động quyết liệt.

“Cần ít nhất 3 năm để xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi và bắt đầu đưa vào vận hành, đồng nghĩa với việc phải bắt đầu xây dựng vào năm 2027, trước đó cần 3-4 năm phát triển dự án trước khi đóng tài chính. Điều đó có nghĩa là tất cả các giấy phép cần sẵn sàng và mọi trở ngại cần được giải quyết trong vòng 6 tháng tới mới có cơ hội đạt được mục tiêu trên”, Chủ tịch EuroCham lưu ý.

điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi vẫn chưa có dự án nào triển khai trong thực tế. Ảnh minh hoạ: CIP

Đề cập đến điện gió ngoài khơi trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đối với các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong giai đoạn đầu phát triển, suất đầu tư và giá thành sản xuất điện thường lớn hơn các nguồn điện truyền thống.

Để đảm bảo tính khả thi đối với mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo, Dự thảo Luật đã quy định các nội dung về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ khác đối với phát triển điện gió ngoài khơi.

Chẳng hạn, bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất, các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo...

Báo cáo thêm về điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đánh giá đây là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, do đó thực tiễn chưa có kinh nghiệm triển khai dự án liên quan đến lĩnh vực này. Việc khai thác và sử dụng gió ngoài khơi được chi phối bởi nhiều Luật và thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành khác nhau, trong đó, các quy định liên quan đến mục đích sản xuất điện từ năng lượng gió thuộc phạm vi của lĩnh vực điện lực.

“Vì vậy, khi hoàn thiện các quy định liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi cần xem xét, xây dựng tương ứng tại các Luật khác có liên quan và chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án luật này”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Phải bắt đầu xây dựng vào năm 2027

Chia sẻ với VietNamNet, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Điện lực, mà theo ông khá tiên tiến.

Đại diện GWEC đồng tình với ý tưởng kết hợp DNNN và các đối tác quốc tế nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, tương tự như những gì đã xảy ra trong ngành dầu khí của Việt Nam. Lãnh đạo GWEC đề xuất Chính phủ cho phép các DNNN hợp tác với các nhà phát triển quốc tế, và Quốc hội cố gắng thông qua Luật Điện lực trong kỳ họp này nếu có thể.

“Các đối tác quốc tế mang lại kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực công nghệ, khả năng tiếp cận nguồn vốn và chuỗi cung ứng, còn đối tác trong nước có sự hiểu biết về chính trị, văn hóa cũng như năng lực xây dựng chuỗi cung ứng trong nước", ông Hutchinson đánh giá.

Cùng quan điểm, Chủ tịch EuroCham Jaspaert hoàn toàn nhất trí tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và thí điểm tại Việt Nam. Đồng thời, ông cũng nhắc đến nhiều bài học có thể tham khảo từ châu Âu. Chẳng hạn, Đan Mạch đã quản lý một ngành công nghiệp khổng lồ bằng cách thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi, còn Vương quốc Anh ngày càng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông Jaspaert cho biết: "Tôi cho rằng có nhiều ví dụ từ châu Âu cho thấy tại sao Việt Nam cần khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cùng các chính sách hỗ trợ cho ngành điện gió ngoài khơi”.

Ông nhấn mạnh, sự tham gia của các nhà phát triển nước ngoài tại Việt Nam không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật mà còn mang đến nguồn vốn lớn, đảm bảo các dự án được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế, quản trị rủi ro về kỹ thuật, nhờ vậy đảm bảo tính bền vững.

Về cơ chế thí điểm điện gió ngoài khơi, đại diện Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng: Có những nền kinh tế phát triển trước về điện gió ngoài khơi Việt Nam có thể tham khảo, đó là Đài Loan (Trung Quốc). PTSC đề xuất phát triển theo 3 giai đoạn như Đài Loan đang làm. Giai đoạn đầu là thí điểm, giai đoạn sau là phát triển có sự hỗ trợ của Nhà nước, giai đoạn tiếp theo là thị trường đã phát triển tốt và có sự cạnh tranh thì tiến tới phát triển tự do, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

"Sau khi thí điểm vào năm 2013, thị trường điện gió ngoài khơi của Đài Loan hiện nay đã có sự cạnh tranh, từ khâu phát điện, phân phối, truyền tải đến khâu bán điện. Khi thị trường đã cạnh tranh rồi, lúc đó Nhà nước chỉ cần đóng vai trò điều tiết"- đại diện PTSC cho biết.

>>Bình Định quyết tâm 'theo tới cùng' dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD của doanh nghiệp Đức

Bình Định quyết tâm 'theo tới cùng' dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD của doanh nghiệp Đức

Doanh nghiệp ngoại muốn đổ tỷ USD vào điện gió ngoài khơi Việt, cơ hội nào?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lam-gi-de-co-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-dau-tien-2338512.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Làm gì để có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên?
    POWERED BY ONECMS & INTECH