Làm rõ thẩm quyền quyết định công tác nhân sự tại doanh nghiệp Nhà nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp.
Tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản Nhà nước
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật này.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến, có phương án tiếp thu vào từng điều, khoản cụ thể, nhất là những vấn đề mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp Nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ cũng lưu ý, phải gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn Nhà nước và tăng tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước và của nhân dân đối với vốn của Nhà nước.
“Luật chỉ quy định vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao và thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các vấn đề chưa ổn định do các quan hệ kinh tế - xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi”, kết luận nêu rõ.
Không tạo ra khoảng trống pháp lý
Kết luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bám sát việc sơ kết Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo các quy định của luật phù hợp với các chủ trương của Đảng.
Ngoài ra, cần rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, không tạo ra khoảng trống pháp lý, đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp.
Cơ quan thường trực Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về trích lập, sử dụng, điều chuyển số dư của Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, nhằm phát huy nguồn lực phát triển.
Ủy ban Thường vụ lưu ý rà soát kỹ để tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các nội dung này và việc đề nghị không quy định cụ thể về SCIC trong luật vì đây là thẩm quyền của Chính phủ.
Cùng với đó, các cơ quan cần rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định công tác nhân sự, chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn cũng như về phạm vi đầu tư vốn…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức khi Chính phủ bổ sung đầy đủ hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8.
>> Không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì không làm được!