Làn sóng bán tháo khiến 220 triệu nhà đầu tư Trung Quốc lao đao, lo cơn ác mộng 'bong bóng' 2015 lặp lại
Sự sụt giảm trở lại của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một cú đánh vào hy vọng phục hồi bền vững sau một loạt các can thiệp của Nhà nước trong năm qua.
Một làn sóng bán tháo mới trên thị trường chứng khoán  Trung Quốc đã khiến 220 triệu nhà đầu tư cá nhân tại thị trường lớn thứ hai thế giới phải "rùng mình", khi những ký ức về sự sụp đổ cách đây một thập kỷ được khơi dậy, khiến tổng giá trị thị trường giảm một phần ba.
Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi các nhà đầu tư đang ngồi trên đống tiền tiết kiệm trị giá 20,8 nghìn tỷ USD, các lựa chọn đầu tư bị hạn chế khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài 5 năm vẫn tiếp diễn, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục.
Chỉ số CSI 300 đã giảm 3,7% vào tuần trước và giảm 7,6% so với mức cao nhất trong năm vào tháng 5, khi tâm lý bi quan gia tăng sau khi Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách.
Sự sụt giảm trở lại của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một cú đánh vào hy vọng phục hồi bền vững sau một loạt các can thiệp của Nhà nước trong năm qua.
Hu Xijin, người có hơn 20 triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội Weibo và từng là tổng biên tập của tờ báo Nhà nước Global Times trước khi nghỉ hưu năm 2021, cũng là một trong hàng triệu người đang gánh chịu tổn thất từ đợt bán tháo khiến 1.300 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay.
Tuần trước, trên một bài đăng mạng xã hội, Hu tiết lộ rằng ông đã lỗ 100.000 nhân dân tệ (13.792 USD) trong danh mục đầu tư cổ phiếu trị giá 700.000 nhân dân tệ của mình.
“Logic của thị trường chứng khoán thay đổi liên tục và rất khó để theo kịp các biến động”, Hu cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây. “Mặc dù hiệu suất đầu tư rất tệ, tôi muốn ghi nhận điều này như một ví dụ cho các nhà đầu tư cá nhân của Trung Quốc”.
Jia Yuer, một kỹ sư 46 tuổi làm việc cho một công ty công nghệ tại Thượng Hải, đã thua lỗ 15% trong danh mục đầu tư cổ phiếu của mình trong năm nay. Ông đổ lỗi cho sự mất mát này là do chu kỳ suy thoái của nền kinh tế và rủi ro địa chính trị gia tăng từ các sự kiện "thiên nga đen", một thuật ngữ chỉ những sự kiện không thể đoán trước được với hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn.
“Hiện tại, có một rủi ro lớn về đầu tư dài hạn”, ông nói. “Thị trường không có niềm tin, vì các nhà đầu tư lựa chọn rút tiền ngay ngày hôm sau khi có lợi nhuận, ngay cả với khoản lợi nhuận nhỏ. Và việc ổn định tăng trưởng vẫn còn xa vời, vì vậy không có sự hỗ trợ cơ bản cho thị trường chứng khoán”.
Sự thiếu niềm tin của các nhà đầu tư là nguồn cơn thất vọng đối với Wu Qing, người đột ngột được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán (CSRC) vào tháng 2 để giám sát thị trường chứng khoán trị giá 8,2 nghìn tỷ USD của quốc gia.
Nhiệm vụ khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư của ông đã đạt được một số thành công ban đầu sau khi ông trấn áp tình trạng thao túng thị trường, áp đặt các biện pháp hạn chế bán khống, thắt chặt nguồn cung cổ phiếu mới và cam kết nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã không duy trì được lâu khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Nền kinh tế Trung Quốc  tăng trưởng chậm hơn dự kiến ở mức 4,7% trong quý II/2024, chịu ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và doanh số bán lẻ ảm đạm, trong khi lợi nhuận của các công ty niêm yết Trung Quốc có thể giảm trung bình 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý II, theo Huaxi Securities.
Thêm vào sự ảm đạm là những biến động mạnh trên thị trường toàn cầu, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua giành chức Tổng thống và giao dịch liên quan đến trí tuệ nhân tạo sụp đổ, làm gia tăng thêm sự bất ổn.
Với sự bi quan đang lan rộng, bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể không kéo dài vì các nhà đầu tư thất vọng đang chờ đợi để bán tháo danh mục đầu tư bị tổn thất của mình.
Yan Xiaosen, người đã chứng kiến khoản đầu tư 500.000 nhân dân tệ vào cổ phiếu và quỹ tương hỗ năm 2018 sụt giảm 40% giá trị, cho biết ông sẽ bán nếu sự phục hồi của chỉ số Shanghai Composite vượt qua mức 3.000 điểm. Chỉ số này đóng cửa ở mức 2.890,90 vào thứ Sáu (26/7).
Một yếu tố tiềm năng thúc đẩy thị trường chứng khoán có thể là cuộc họp Bộ Chính trị tháng này, nơi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng sự dự kiến sẽ định hướng chính sách cho nền kinh tế trong suốt phần còn lại của năm.
Theo Song Yiwei, nhà phân tích tại Bohai Securities ở Thiên Tân, thị trường có cơ hội ổn định hoặc thậm chí phục hồi nếu cuộc họp đưa ra thông điệp tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, điều đó có thể vẫn chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường giá xuống kéo dài bốn năm và ám ảnh về sự sụp đổ thị trường năm 2015.
Sissi Liu, một bà nội trợ ở Thượng Hải, đã từ bỏ giao dịch cổ phiếu kể từ khi bán toàn bộ cổ phiếu của mình vào năm 2018. Giờ đây, cô thích gửi tiền tiết kiệm hơn, ngay cả khi lãi suất hàng năm chỉ là 1,35% cho kỳ hạn một năm và cảm thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Theo SCMP