Làn sóng đổi lãnh đạo cấp cao ngân hàng
Một số ngân hàng vừa công bố thay đổi nhân sự cấp cao.
Các vị trí nhân sự cấp cao của các ngân hàng luôn là thông tin được thị trường đặc biệt quan tâm bởi điều này gắn liền với chiến lược phát triển của ngân hàng. Nhiều quyết định “thay máu” nhân sự cấp cao còn ẩn chứa thông tin về việc doanh nghiệp nào đang là “ông chủ” thực sự đứng sau các thương vụ thâu tóm.
Nhân sự cấp cao ở ngân hàng lại biến động
Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB ) vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải làm Quyền Tổng giám đốc Eximbank kể từ ngày 3/10/2023.
Trước đó, HĐQT Eximbank đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc đối với ông Phạm Quang Dũng kể từ ngày 2/10/2023.
Sau các quyết định trên, Ban Tổng giám đốc của Eximbank có 5 thành viên, gồm: Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và 4 Phó Tổng giám đốc, gồm: ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ.
Tân Quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Hoàng Hải. |
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB ) vừa thông báo cho biết, ngày 2/10, Hội đồng quản trị ngân hàng đã nhận được Đơn xin từ nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân. Đáng chú ý, ông Hùng xin rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi được bầu lên vị trí này cách đây 3 tháng.
Gần đây, hàng loạt thành viên hội đồng quản trị của PGBank cũng có đơn xin từ nhiệm. Hôm 14/9, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tiến Dũng đã xin từ nhiệm và rút khỏi hội đồng quản trị vì lý do cá nhân. Hai thành viên hội đồng quản trị người nước ngoài là ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala cũng đã có đơn xin từ nhiệm hôm 25/8.
Như vậy, trong 6 thành viên hội đồng quản trị PGBank hiện nay thì đã có tới 4 người xin từ nhiệm, chỉ còn lại ông Nguyễn Mạnh Hải và ông Đinh Thành Nghiệp.
Ông Nguyễn Phi Hùng |
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB ) vừa công bố thông tin tái bổ nhiệm đối vị trí tổng giám đốc. Theo đó, VIB tái bổ nhiệm ông Hàn Ngọc Vũ làm Tổng giám đốc trong 4 năm, từ ngày 1/10 đến 30/9/2027. Trước khi được tái bổ nhiệm, ông Vũ là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VIB.
Ông Vũ là thành viên hội đồng quản trị khóa V, được hội đồng quản trị chọn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị giai đoạn 2008 - 2013. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2013, ông Vũ tiếp tục được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị khóa VI và giữ chức tổng giám đốc cho đến nay.
Ông Hàn Ngọc Vũ |
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã chứng khoán: VBB ) vừa công bố công văn chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức tổng giám đốc. Vietbank khuyết chức danh này từ tháng 10/2021.
Bà Trần Tuấn Anh năm nay 47 tuổi, là cử nhân Tài chính tín dụng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM và thạc sĩ luật, chuyên ngành Luật Kinh tế Trường Đại học Luật TPHCM. Bà có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Trước khi làm Tổng giám đốc Vietbank, bà Tuấn Anh là thành viên Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã chứng khoán: ABB ) đã có quyết định cử ông Phạm Duy Hiếu (45 tuổi) - Phó tổng giám đốc làm quyền Tổng giám đốc thay bà Lê Thị Bích Phượng.
Như vậy, ông Hiếu lần thứ 3 giữ Quyền tổng giám đốc tại ABBank. Trước đó ông Hiếu từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình giai đoạn 2012 - 2015 khi mới 34 tuổi.
Tháng 10/2018, ông Hiếu trở lại lần hai trong vai trò Tổng Giám đốc ABBank cho đến tháng 4/2020. Đáng chú ý, ABBank cũng là ngân hàng thay tổng giám đốc nhiều nhất trong những năm gần đây. 5 năm qua, ABBank thay đổi tổng giám đốc đến 7 lần.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã chứng khoán: SSB ) cũng bổ nhiệm Phó tổng giám đốc thường trực Lê Quốc Long đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng giám đốc phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng.
Đúng người, đúng vị trí, đúng thời điểm
Có thể thấy, làn sóng thay đổi "ghế nóng" đã trở nên bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Như đã nói ở trên, các nhân sự này đều phải được HĐQT tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành ngân hàng đứng trước nhiều thách thức bởi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có nguy cơ tăng cao, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao,… đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của thị trường trái phiếu, bảo hiểm… hay thoái lãi dự thu, rủi ro an ninh, gian lận nội bộ, tấn công mạng…
Trước những thách thức đó, bài toán đặt ra là các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, mấu chốt nằm ở việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự.