Làn sóng tăng lãi suất có còn tiếp diễn?
Từ đầu tháng 8/2024, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Trong đó, có cả những ngân hàng lớn trong hệ thống.
Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm. Thời gian tới, lãi suất còn tăng?
Lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 6%/năm
Từ ngày 1/8, Agribank đã áp dụng biểu lãi suất huy động  tiền gửi mới với việc điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Đây là lần đầu tiên sau 4 tháng rưỡi nhà băng này điều chỉnh lãi tiền gửi, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022 Agribank mới tăng lãi suất.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, lên mức 1,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên được tăng thêm 0,1 điểm %, lên 4,8%/năm. Sau điều chỉnh, biểu lãi suất huy động của Agribank đã ngang bằng so với lãi suất của VietinBank, BIDV và cao hơn Vietcombank ở hầu hết kỳ hạn.
Cũng từ đầu tháng 8/2024, Sacombank điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất cao nhất lên 5,2%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng; Saigonbank cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động cho tất cả kỳ hạn thêm 0,3%/năm, với lãi suất cao nhất lên tới 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Mới nhất ngày 8/8, VPBank tăng lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Lãi suất huy động cao nhất tại VPBank có thể lên đến 6%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 10 tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Theo thống kê từ đầu tháng 8 đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, và VPBank. Trong đó Sacombank là ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất trong thời gian này.
Lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối quý I và diễn ra trên diện rộng vào quý II và đầu quý III. Riêng trong tháng 7, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động với nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động 2 - 3 lần.
Xu hướng tăng diễn ra liên tục cho tới nay, đưa mặt bằng lãi suất lên cao nhất từ đầu năm. Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm.
Lý giải lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua, các chuyên gia cho rằng, lãi suất tăng phù hợp với tương quan lạm phát kỳ vọng; do tín dụng đang tăng nhanh hơn so với tốc độ huy động vốn. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023. Tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng trong 4 tháng qua đã kích thích dòng tiền chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng. Tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nếu như trong tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6%, thì tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%.
Nhiều áp lực, lãi suất điều hành có điều chỉnh?
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Tại buổi làm việc với NHNN mới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.
“Dù tăng trưởng tín dụng đã tăng lên, nhưng 7 tháng mới tăng 5,66% cho thấy tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó, nhu cầu vay vốn còn tăng cao vào cuối năm, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay” - TS Võ Trí Thành nói.
Còn theo chuyên gia UOB, tăng trưởng tín dụng khả năng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5 - 1% trên các kỳ hạn.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong bối cảnh này, nhiều nhà băng đã đi tìm nguồn vốn từ các tổ chức. Theo FiinRatings, trong tháng 6 vừa qua, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng. Trong đó, BIDV và Techcombank lần lượt chiếm tỷ trọng lớn nhất.
“Các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14 -15% cả năm” - báo cáo của FiinRatings đánh giá.
Ngân hàng Standard Chartered mới đây còn “mạnh dạn” đưa ra dự báo, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý IV hoặc sớm hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và câu chuyện tỷ giá.
Trong khi đó, chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhìn nhận, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong phần còn lại của năm 2024. Luận điểm này dựa trên cơ sở Chính phủ và NHNN ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, ngày 5/8 vừa qua, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu 0,25 điểm %, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm.
Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. Trước đó, nhà điều hành đã có 2 lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%. Theo các chuyên gia, việc giảm 2 loại lãi suất nêu trên được cho là nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tăng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn đang thấp hơn nhiều (chỉ bằng 1/3) so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm. Đồng thời, suốt vài tháng qua, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Phập phồng lo lãi vay
Đang tính vay vốn ngân hàng để mua nhà vì lãi suất xuống thấp và giá nhà đã mềm hơn, nhưng nhìn tín hiệu lãi suất, chị Trần Ngọc cảm thấy hơi lo. Với mức lãi suất hiện nay, theo chị Ngọc, sau khi trừ đi số tiền gốc, lãi mà chị phải đóng cho ngân hàng hằng tháng thì phải ít nhất 5 - 6 năm chị mới có thể gom góp trả dứt khoản nợ. Nhưng nếu lãi suất tăng, với thu nhập hiện tại, chị khó mà dư ra để sớm trả dứt nợ.
TS Võ Trí Thành cho rằng có hai điều kiện để dòng vốn ra thị trường: một là phía cầu ấm lên, và hai là lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để DN có thể tính kế hoạch làm ăn. Ngược lại, nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho DN.
Cho đến thời điểm này, trần lãi suất huy động và cho vay vẫn được NHNN giữ nguyên. NHNN khẳng định, chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm, mà duy trì mức lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Báo cáo SSI cho biết, thời điểm này, lãi suất cho vay, gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ (từ mức 6 - 7% cố định cho 3 năm đầu lên khoảng 7 - 7,5%). Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt, theo SSI.
“Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau cả về lãi suất, dịch vụ để tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi. Chắc chắn có ngân hàng sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn” - một lãnh đạo ngân hàng phân tích.
Dù vậy, vị lãnh đạo cũng thừa nhận có những cái rất khó cho ngân hàng vì lãi suất huy động còn phải phụ thuộc vào lạm phát cũng như cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng. Lãi suất cho vay cũng phải dựa vào "khẩu vị rủi ro" nên không thể có lãi suất thấp cho tất cả DN.
Mức độ tăng lãi suất huy động như hiện tại chưa gây nguy hiểm cho nền kinh tế, lãi suất tiết kiệm như hiện nay giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Còn mức tăng lãi suất cho vay sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.
TS Lê Xuân Nghĩa
>> VPBank (VPB) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5%/năm 
VPBank (VPB) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5%/năm 
Đi ngược xu thế, 2 ngân hàng bất ngờ điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm