Làng chài 7.000 năm tuổi cổ nhất Việt Nam nằm giữa thung lũng đá vôi, không có ô tô, xe máy, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia
Đây là làng chài cổ lâu đời nhất Việt Nam, cũng là cửa ngõ vào vịnh Lan Hạ.
Nằm cách đảo Cát Bà  (huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng) chừng 20km, làng chài  Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vung O) là một trong những địa điểm du lịch  nổi tiếng bậc nhất tại địa phương, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.
Cái Bèo nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 1,5km về phía đông nam. Đây là thung lũng bằng phẳng, 3 mặt núi đá vôi bao bọc, còn mặt đông quay ra biển. Khu di chỉ rộng khoảng 800m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3,5m so với mặt biển.
Cách di chỉ 200m là dãy núi  Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm cho nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản.
Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên cùng với thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo đã quần tụ lâu dài tại đây, tạo nên nền văn hóa đặc sắc. Với tuổi đời ước tính lên đến 7.000 năm, đây cũng được xem là làng chài cổ nhất Việt Nam và hiện trở thành nơi sinh sống của hơn 500 hộ dân với nghề truyền thống là đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trên vịnh.
Đến với làng chài Cái Bèo trong chuyến khám phá biển Cát Bà, du khách có thể trải nghiệm một kiểu đi chơi khá thú vị là thuê tàu lang thang giữa các hộ gia đình nuôi cá. Lênh đênh trên thuyền vừa được ngắm nhìn vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc của Cái Bèo vừa được tìm hiểu về cuộc sống của những người dân chài lưới vô cùng thú vị và gần gũi.
Bên cạnh đó, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của vịnh và thưởng thức những món ăn đặc sản chế biến từ cá, tôm trên các nhà hàng nổi do chính bàn tay người dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng.
Mùa nào ở làng chài Cái Bèo cũng đẹp nhưng thời điểm lý tưởng nhất để tham quan và trải nghiệm tại đây là vào mùa xuân và mùa thu. Lúc này, thời tiết mát mẻ, nước biển trong xanh và bầu không khí rất dễ chịu.
Làng chài Cái Bèo được khai quật lần đầu bởi nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani vào năm 1938 và khẳng định đây chính là cái nôi văn hóa cổ của Việt Nam.
Sau sự phát hiện trên, các nhà khảo cổ Việt Nam đã vào cuộc và phát hiện được rất nhiều hiện vật có giá trị. Cụ thể, từ năm 1981 đến năm 1986 đã tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm: công cụ ghè đẽo, công cụ mài thô sơ, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 9 mảnh gốm xốp, 93 mảnh gốm thô dày, 88 đầu cá biển, 11 đốt sống cá biển, 6 mảnh xương thú,...
Tiếp đó từ năm 2006 đến 2007, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm được 137 hiện vật được làm từ đá granite, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu,... Điều này càng chứng minh thêm Cái Bèo Cát Bà là nơi cư trú của cư dân cổ. Đến năm 2009, Cái Bèo chính thức được công nhận là Di tích cấp Quốc gia .