Tổng chi phí của chương trình phát tiền này tương đương 2,9% GDP quốc gia.
Mới đây, Chính phủ Thái Lan  dự kiến cấp phát 500 tỷ baht (hơn 341.000 tỷ đồng) cho khoảng 50 triệu công dân nhằm kích thích nền kinh tế.
Hôm 10/4, hội đồng đặc biệt phụ trách chương trình ví tiền điện tử của Thái Lan đã thông qua phương án cấp vốn cho chương trình này. Đích thân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin là lãnh đạo hội đồng.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin |
Cụ thể, theo kế hoạch chi tiết vừa được công bố, mỗi người dân đủ điều kiện để chi tiêu tại các doanh nghiệp địa phương sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 6,8 triệu đồng). Chương trình có quy mô 500 tỷ baht (hơn 341.000 tỷ đồng), phần lớn được tài trợ từ ngân sách năm 2024 và 2025, sẽ triển khai vào quý IV/2024.
Dự kiến, những người Thái từ 16 tuổi trở lên có thu nhập dưới 70.000 baht (khoảng 47 triệu đồng) mỗi tháng và có ít hơn 500.000 baht (341 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng sẽ nhận được khoản hỗ trợ 10.000 baht qua ví điện tử. Dựa trên những tiêu chí này, ước tính khoảng 50 triệu người được nhận tiền.
Tổng vốn của chương trình phát tiền này tương đương 2,9% GDP Thái Lan. Trong đó, 327,7 tỷ baht (hơn 223 nghìn tỷ đồng) sẽ được trích từ ngân sách năm tài khoá năm 2024 và 2025, theo Thư ký thường trực Bộ Tài chính Thái Lan Lavaron Sangsnit.
Đồng thời, 172,3 tỷ baht (hơn 117 nghìn tỷ đồng) còn lại sẽ trích từ quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông thôn. Chính ngân hàng quốc doanh này sẽ trao tiền trực tiếp cho 17 triệu nông dân Thái Lan.
Theo Bộ Tài chính Thái Lan, chương trình sẽ giúp tăng thêm khoảng 1,2-1,8% vào tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan và nâng mức tăng trưởng kinh tế lên gần 5% vào năm 2025. Chương trình này sẽ tuân thủ Đạo luật Kỷ luật Tài chính của quốc gia và đảm bảo sự ổn định kinh tế và xã hội.
Kế hoạch cũng nhằm hiện thực hóa lời hứa trong chiến dịch tranh cử đảng Pheu Thai của ông Srettha vào năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc phát tiền không phải là cách hiệu quả để tăng trưởng bền vững.
Tuần trước, nội các đã phê duyệt kế hoạch tăng thâm hụt ngân sách năm tới thêm 152,7 tỷ baht, với lý do cần thêm số tiền này để kích thích kinh tế. Các nhà kinh tế lo ngại rằng kế hoạch phát tiền có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng baht và làm suy giảm kỷ luật tiền tệ, tài khóa, cũng như gánh nặng nợ công.
Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput đã lập luận rằng nền kinh tế nước này đang có đà phục hồi sau đại dịch và đang không ở trong tình trạng khẩn cấp để cần có một gói kích thích tài khóa lớn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Srettha Thavisin  nhận định các biện pháp kích thích, bao gồm cả ví kỹ thuật số, là “cực kỳ cần thiết” khi nền kinh tế Thái Lan sắp trải qua một thập kỷ tăng trưởng trung bình dưới 2% và phải đối mặt với các vấn đề khác bao gồm phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch và lãi suất cao.