Những gì còn lại cho thấy khu lăng mộ là một quần thể kiến trúc kiểu phong kiến được xây dựng công phu, đồ sộ.
Trên một ngọn đồi thấp thuộc phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, (Bình Dương ) có một khu lăng mộ  cổ hoang phế quy mô lớn, nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Dương, được gọi là "mộ cổ ông Lân".
Do các tư liệu lịch sử không còn, ngày nay không ai biết “ông Lân” là ai, khu mộ hình thành khi nào. Có nhiều người truyền tai nhau rằng chủ nhân khu lăng mộ là một thương nhân lừng danh, từng sở hữu nhiều trại cưa, dinh thự và tài sản khổng lồ ở vùng đất Thủ xưa (nay là tỉnh Bình Dương).
Những gì còn lại cho thấy đây là một quần thể được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống của giới quý tộc xưa, được thiết kế rất công phu. Các công trình chính từ trước ra sau là cổng tam quan, khu mộ phần gồm ba ngôi mộ có tường bao quanh và khu nhà thờ. Tuy nhiên, khu mộ cổ đã bị lãng quên và hoang phế trong nhiều năm. Người dân sống trong vùng không ai biết khu lăng mộ được hình thành khi nào, là nơi an nghỉ của ai. Chỉ biết đây là phần đất thuộc quyền quản lý của dòng họ Trần – dòng họ có truyền thống lâu đời ở Thủ Dầu Một.
Do thăng trầm của thời cuộc mà các hậu duệ họ Trần tứ tán khắp nơi, bỏ lại nhiều tài sản cùng khu mộ tổ này. Khu lăng mộ hoành tráng một thời ngày nay đã nằm trong tình trạng bỏ hoang, trở thành phế tích đổ nát.
Dù không còn nguyên vẹn, nhưng những đường nét kiến trúc tinh xảo của công trình vẫn khiến hậu thế trầm trồ thán phục. Có dịp ghé thăm Thủ Dầu Một, nhiều du khách phương xa không bỏ lỡ dịp tìm đến khu lăng mộ cổ này để cảm nhận thời vàng son của một gia tộc lừng lẫy đất Thủ xưa.