Đây được mệnh danh là chốn đến người chết cũng có thể giúp hái ra tiền.
Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế  là một địa danh được nhiều người biết đến với cái tên “thành phố lăng mộ” hoặc “thành phố ma”. Nơi đây được coi là nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam với hàng nghìn ngôi lăng mộ đủ màu sắc và kích thước. Có những khu mộ  ước tính giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Tờ Dailymail cũng từng dành sự trầm trồ kinh ngạc khi viết về khu lăng mộ này ở Huế. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, nhiều độc giả quốc tế không khỏi trầm trồ và ví khu lăng mộ này giống hệt như những người Ai Cập cổ đại xây Kim Tự Tháp làm nơi các vua chúa nghỉ ngơi, an dưỡng sau khi chết.
Còn ở Việt Nam, cũng đã có rất nhiều bài báo viết về khu lăng mộ này và ví nó như một “thành phố ma” xa hoa bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Nơi đây, các lăng mộ được người dân xây dựng thiết kế với đầy đủ kiểu dáng, chạm trổ hoa văn tinh xảo nhái phong cách kiến trúc lăng Vua Khải Định. Nhiều ngôi mộ thường thắp điện sáng cả đêm, thậm chí còn có cả hồ bán nguyệt, tiểu cảnh, nhà vệ sinh và phòng ngủ cho người canh mộ.
Những cồn cát ven biển được bịt kín bằng lăng mộ, thậm chí lấn át nhà dân ngay gần đó. Nhiều người cho rằng ranh giới giữa người sống và người đã tạ thế trông như thể rất gần nhau.
Tại nghĩa địa này, có những lăng tiền tỷ vừa xây dựng đã bị đập đi xây lại chỉ vì "không to đẹp bằng người ta". Cái sau phải xây đẹp hơn, đắt tiền hơn cái trước là quan niệm của nhiều người.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn xây dựng các khu lăng mộ theo lối biệt thự sang trọng, có sân vườn, cây cảnh, ôtô, xe tay ga cùng các hoa văn được chạm khắc không kém các nghệ nhân thời vua chúa.
Khu mộ hoành tráng nhất ở đây phải kể đến lăng 4 tỷ được người dân xây dựng để dành cho người sống. Theo đó, nguyên một dòng họ đã chi cả khu làm 26 phần mộ để chờ cho người sống chết đi sẽ được đưa vào.
Theo người dân địa phương, những năm 90 của thế kỷ trước, người An Bằng định cư nước ngoài ăn nên làm ra và gửi tiền về để xây lăng mộ báo hiếu. Chi phí xây dựng các ngôi mộ ở đây thường bằng tiền do con cháu của gia đình họ ở nước ngoài gửi về.
Xưa kia khi mới xây dựng khu lăng mộ rộng 40ha này cuộc sống người dân nơi đây có phần đảo lộn về tâm linh, nhiều người cảm thấy sợ sệt không dám đi vào buổi tối. Nhưng về sau này, họ coi là điều bình thường và xem đây là một nguồn sống của nhiều gia đình khi chưa có công ăn việc làm ổn định. So với những tháng ngày làm chài lưới lênh đênh trên biển thì bây giờ đời sống người dân khá giả hơn nhiều.
>> Bên trong lăng mộ đá cổ trăm năm tuổi giữa lòng Thủ Đô