Được biết, lăng mộ được làm toàn bộ từ đá cẩm thạch quý hiếm và được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1962.
Tọa lạc tại phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội ), khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được xây dựng năm 1893 nổi bật với kiến trúc  đặc trưng thu hút nhiều người tìm đến khám phá.
Khu lăng mộ  được làm toàn bộ từ đá cẩm thạch, một loại đá quý hiếm được ưa chuộng ở châu Á. Đây là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Nhiều tài liệu ghi nhận, Hoàng Cao Khải là vị quan giàu có, năm 1893 khi về hưu, cụ lập ấp Thái Hà với diện tích khoảng 120ha, làm nơi an hưởng tuổi già.
Cụ đã dành 1 phần diện tích khu thái ấp, mời thầy địa lý chọn thế đất, xây dựng cụm công trình lăng mộ gồm 14 hạng mục hoành tráng như lăng mộ, đình chùa… nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa cho gia tộc mình.
Lăng Hoàng Cao Khải được xây theo kiểu chữ ”Đinh”, dài 8m, cao 6m. Khu lăng mộ có tính đặc thù cao về kiến trúc, gồm nhiều công trình thiết kế tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
Phía trước cửa lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, cao 1,3m, hiện nay chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền ximăng trùm lên, các phần tai tượng cũng bị sứt mẻ nhiều theo năm tháng.
Được biết, để xây dựng và thiết kế khu lăng mộ này, Hoàng Cao Khải đã mời rất nhiều kiến trúc sư người Pháp và người Việt Nam cùng tham gia. Trong đó có kiến trúc sư Nguyễn Duy Đạt (1850 - 1933). Vị kiến trúc sư này cũng được khắc tên trên bia đá, ngay gần cổng vào lăng mộ.
Khu lăng mộ được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962. Quá trình đô thị hoá của thành phố khiến khu di tích lăng Hoàng Cao Khải hiện nay đều có các hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ lăng. Một số người dân còn gọi đây là phố âm - dương, nơi người sống ở chung cùng người chết suốt gần 30 năm qua.